Dù được khen hay chê, phim Việt vẫn luôn làm tốt thông điệp về gia đình

Những bộ phim Việt Nam thời gian gần đây có thể nhận nhiều lời khen tích cực hoặc không được đánh giá cao; song, dường như yếu tố gia đình ở tác phẩm nào cũng nổi bật hơn cả, ngay cả trong dự án phim vướng không ít lùm xùm như 'Chú ơi, đừng lấy mẹ con'.

Màn ảnh rộng Việt Nam thời gian gần đây là cuộc đua của hàng loạt phim Việt Nam với những màu sắc, thể loại khác nhau: từ phim tình cảm, hài hước như Chàng vợ của em, Hoán đổi, Chú ơi đừng lấy mẹ con; phim đậm màu sắc nghệ thuật như Song Lang; cho đến phim âm nhạc như Mùa viết tình ca. Song, các tác phẩm này đều lồng ghép thông điệp về giá trị gia đình với những cách thức khác nhau.

“Mùa viết tình ca” và “Song Lang”: Khi gia đình xuất hiện thoáng qua nhưng để lại ấn tượng mạnh mẽ

Bộ phim Song Lang tái hiện gần như trọn vẹn không khí Sài Gòn những năm 1980, với câu chuyện đẹp nhưng nhiều tiếc nuối, day dứt giữa kép hát Linh Phụng (Isaac đảm nhận) và Dũng Thiên lôi (Liên Bỉnh Phát). Hai người giống như hai thái cực đối lập khác biệt hoàn toàn về tính cách và thái độ với môn nghệ thuật cải lương. Song thực tế, Linh Phụng và gã đòi nợ thuê có sự đồng cảm sâu thẳm trong nghệ thuật. Trong khi nhân vật của Isaac rời bỏ quê hương để theo đuổi đam mê, thì Dũng Thiên lôi cố phủ nhận tình yêu dành cho cải lương vì bi kịch gia đình.

Gia đình của Linh Phụng và Dũng Thiên lôi được nhắc đến không nhiều, song đó là chi tiết đắt giá của Song Lang. Bởi, chính kí ức về người thân đã hình thành nên hai con người đối lập như ngày hôm nay; sau khi quá khứ được phơi bay, hai kẻ xa lạ mới thấu hiểu, đồng cảm và gần gũi nhau hơn.

Còn trong bộ phim âm nhạc, hiện đại Mùa viết tình ca, yếu tố gia đình được thể hiện qua mối quan hệ giữa nàng thơ miền biền - Lam (Phan Ngân đảm nhận) và bố của mình. Mang tình yêu sâu sắc dành cho âm nhạc và lối sống phóng khoáng, tự do của người nghệ sĩ, bố Lam rời bỏ gia đình để tìm đến cuộc sống hoang dã, vẫy vùng với thiên nhiên. Song cuối cùng, ông vẫn nhận ra giá trị đích thực và trở về bên con gái; thậm chí, bố Lam cũng là người nối tiếp mối duyên tưởng chừng đứt gãy của nữ chính và nhạc sĩ Bảo Trung (Isaac thủ vai).

“Hoán đổi”, “Chàng vợ của em” và “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”: Tình cảm gia đình lấn át tình yêu đôi lứa

Ứng viên sáng giá trên đường đua phòng vé Việt Nam thời gian gần đây là bộ phim Chàng vợ của em của cặp đôi diễn viên - đạo diễn ăn ý Charlie Nguyễn và Thái Hòa. Bộ phim xoay quanh chuyện tình giữa Mai (Phương Anh Đào), một cô gái sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đuổi công việc và Hùng (Thái Hòa), anh chàng có biệt tài nội trợ, chăm sóc nhà cửa. Có giá trị giải trí cao nhờ câu chuyện tình yêu vừa hài hước, vừa ngọt ngào, song yếu tố gia đình trong Chàng vợ của em mới là điều khiến khán giả rơi nước mắt.

Không phải ngẫu nhiên mà Hùng có thể trở thành “chàng vợ”, anh biết nấu ăn ngon, chăm sóc nhà cửa cũng vì thời gian dài đã tập cách làm “mẹ” cho em gái. Trong khi đó, Mai bị ám ảnh bởi cái bóng của người mẹ nổi tiếng nhưng không hề chăm sóc cho con gái. Bi kịch lại một lần nữa lặp lại ở gia đình có hai người phụ nữ mải miết theo đuổi sự nghiệp.

Câu chuyện về “chàng vợ” thay người mẹ đã mất chăm sóc cho em gái và người phụ nữ tự rời xa căn bếp đã nhắc nhở người xem về giá trị thực sự của cuộc sống, đó chính là gia đình với bữa ăn sum vầy mỗi ngày. Đứng đằng sau bữa ăn gia đình đó luôn là bóng dáng của người mẹ, người vợ. Chi tiết Mai đem những câu chuyện, con người thật vào bài thuyết trình của mình là phân cảnh cao trào trong phim; khiến khán giả rơi nước mắt, nhưng là giọt nước mắt cảm động, hạnh phúc.

Một dự án phim có doanh thu khá khả quan tại phòng vé tiếp theo là Hoán đổi. Bộ phim bắt đầu câu chuyện nhiều éo le của mình bằng cuộc gặp gỡ giữa nữ ca sĩ trẻ Tiên Tiên (Nhã Phương đảm nhận) và võ sư Mai Ngọc Hoa (Việt Hương thể hiện). Tại bờ biển, cả hai bị cuốn vào một vòi rồng kì lạ và khi tỉnh dậy, linh hồn của võ sư Mai Ngọc Hoa đã nằm gọn trong thân xác của cô gái xinh đẹp, trẻ trung Tiên Tiên. Sự việc đó khiến cuộc sống của cặp nữ chính xáo trộn hoàn toàn, họ buộc phải thay nhau sống cuộc đời của người còn lại.

Bộ phim khá lớp lang, mạch lạc khi phân chia rõ ràng vấn đề mà hai nhân vật khác biệt phải đối mặt. Trong khi ca sĩ trẻ Tiên Tiên bị bủa vây bởi thị phi showbiz, có chuyện tình dang dở với nhân vật của Ngô Kiến Huy; thì những rắc rối của võ sư Mai Ngọc Hoa chỉ xoay quanh gia đình. Đặc biệt, câu chuyện về tình thân được ưu tiên thời lượng và nổi bật hơn hẳn yếu tố đôi lứa. Nhờ việc tráo đổi ngoại hình éo le, bà Mai Ngọc Hoa đã có cơ hội tâm tình với con dâu (Khả Như), còn vợ chồng Sơn và Mỹ cũng hiểu tấm lòng và sự quan trọng của mẹ hơn.

Bên cạnh đó, Chú ơi, đừng lấy mẹ con của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng là một bộ phim được đánh giá cao về thông điệp gia đình hơn hẳn tình yêu đôi lứa. Mặc dù vướng vào lùm xùm phim giả tình thật, nhưng Kiều Minh Tuấn và An Nguy thể hiện một chuyện tình quá nhạt nhòa, khiên cưỡng trên màn ảnh rộng. Trong khi đó, hai diễn viên nhí Hữu Khang và Chu Diệp Anh trở thành điểm sáng của cả tác phẩm, khi vào vai hai đứa trẻ phải làm quen với cuộc sống mới vì bố mẹ đi bước nữa.

Trong vai cậu bé Nhện lém lỉnh, không muốn chia sẻ tình cảm của mẹ cho bất cứ ai, Hữu Khang thể hiện tròn trịa những phân đoạn nóng giận, ghen tuông khi mẹ Thủy Tiên (An Nguy) thân mật với người đàn ông lạ. Trong khi đó, bé Bảo Ngọc luôn coi nụ cười của bố Đông Bắc là tất cả và sẵn sàng chấp nhận người mẹ mới vì thiếu vắng tình thương.

Những bộ phim Việt Nam thời gian gần đây có thể nhận nhiều lời khen tích cực hoặc không được đánh giá cao; song, dường như yếu tố gia đình ở tác phẩm nào cũng nổi bật hơn cả, ngay cả trong dự án phim vướng không ít lùm xùm như Chú ơi, đừng lấy mẹ con. Có lẽ, bởi không giống như tình yêu muôn màu, vạn trạng; tình thân, tình thương luôn chạm đến cảm xúc sâu thẳm và sự đồng cảm mạnh mẽ trong lòng khán giả Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-chieu-rap/du-duoc-khen-hay-che-phim-viet-van-luon-lam-tot-thong-diep-ve-gia-dinh-3711074.html