'Đu đưa trên ngọn cây bàng': Giọt sương trong veo

Những cuốn sách viết về tuổi thơ luôn giữ chân được bạn đọc ở nhiều lứa tuổi. 'Đu đưa trên ngọn cây bàng' của tác giả Hoàng Diệu Thủy là một trong những cuốn sách khiến người đọc đã mở ra những trang đầu tiên thì khó lòng gấp lại trước khi hết.

Cuốn "Đu đưa trên ngọn cây bàng{. (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)

Cuốn "Đu đưa trên ngọn cây bàng{. (Ảnh: Nhã Nam cung cấp)

“Đu đưa trên ngọn cây bàng” kể về những năm tháng tuổi thơ của một cô gái thế hệ 8x ở vùng trung du Bắc Bộ thanh bình, với đồi chè, con suối trong, với xóm nhỏ cùng những đứa trẻ đồng trang lứa, nghịch ngợm bát nháo nhưng cũng hết sức tình cảm, mộng mơ. Gọi là tản văn hay hồi ức cũng đúng, mà gọi là tập truyện ngắn cũng đúng, bởi “Đu đưa trên ngọn cây bàng” là tập truyện dài gồm nhiều câu chuyện nhỏ ghép lại, mỗi câu chuyện được kể ra đều có những cái kết đầy bất ngờ.

Tập truyện dẫn dắt người đọc lạc về một vùng đất trung du xa xôi, thời đất nước ở giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới, còn vô vàn khó khăn. Nhà nào cũng nghèo, gia đình nào có chiếc xe máy cũ hay ngôi nhà mái bằng, hai tầng… đã được xếp vào tầng lớp “thượng lưu” ở cái xóm nghèo nhỏ bé ấy. Bọn trẻ ngoài việc đến trường, còn được học biết bao nhiêu điều kỳ thú, từ thiên nhiên cho đến những câu chuyện cuộc sống, được dạy bởi chính những người lớn chung quanh. Từ việc tại sao mẹ lại bán chiếc đèn Trung thu duy nhất mà “tôi” mày mò tự làm cả buổi, chuyện chiếc lọ hoa sơn mài tuyệt đẹp của cô Ngân bỗng dưng biến mất và cách cư xử của cô Ngân sau đó, chuyện mẹ “cái Linh” vì cố gắng mang bầu em bé trai cho bố Linh mà qua đời, cho đến chuyện “bảo vệ hạnh phúc gia đình” của “thằng Kiên”…

Tập truyện ngắn toát lên màu sắc tươi vui sống động và cũng đầy hài hước hóm hỉnh, về những cô cậu học trò vừa nghịch ngợm, thông minh nhưng cũng đầy tình cảm, tràn ngập sự “nghĩa hiệp”, hào sảng, sẵn sàng giúp bạn và thực hiện những “điệp vụ” đầy bất ngờ.

Thủy, cô gái nhỏ trong truyện cứ thế mà lớn lên, trong veo như một giọt sương, thấm đẫm những cảm xúc ở cái xóm nhỏ ven suối, nơi có căn nhà nhỏ và một cây bàng. Cây bàng giống như một cái “tổ” nho nhỏ để cô tìm đến kể cả lúc vui lẫn lúc buồn. Tựa sách đúng như bạn đọc hình dung: một cô bé “đu đưa trên ngọn cây bàng”, “khỏi phải nói nó là chốn nương náu vỗ về tôi thế nào”, “hễ bị mẹ mắng, tôi trèo lên tán cao nhất, hong nắng hong gió một hồi là hết buồn ngay”. Cây bàng là chỗ học, chỗ chơi, chỗ quan sát mọi vật, chỗ trút hết những nỗi vui buồn của cô bé Thủy mỗi ngày.

Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tại lễ trao giải Dế Mèn. (Ảnh: Ban tổ chức giải cung cấp)

Nữ tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thuộc thế hệ 8x, nhưng chị là một trong những biên tập viên lâu năm kỳ cựu của Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam. Năm 2021, chị đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay “Trong vòng tay mẹ”. “Đu đưa trên ngọn cây bàng” được bạn đọc biết tới từ trước khi tập sách được phát hành, bởi bản thảo tập truyện đã lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn năm 2022 của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Nếu cuốn sách đầu tay “Trong vòng tay mẹ” là những mảnh ghép sinh động và đầy cảm xúc về gia đình từ góc nhìn người mẹ, thì ở “Đu đưa trên ngọn cây bàng”, tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã khéo léo chọn lọc và sắp xếp những ký ức tuổi thơ của mình, làm chúng sống lại với lời văn khi bay bổng, lúc hài hước. Cách viết của chị cũng dí dỏm, với góc nhìn từ cô bé ở độ tuổi hoa niên nghịch ngợm nhưng cũng hết sức nữ tính, có những suy nghĩ vừa ngây ngô trẻ con, nhưng cũng có lúc già dặn, chín chắn và “hiểu chuyện”. Mạch truyện đong đầy cảm xúc, đủ cả từ vui buồn hờn giận, vỡ òa sung sướng cho đến đau lòng trước những mất mát trong cuộc đời, được nữ tác giả sắp xếp khéo léo, diễn ra hết sức tự nhiên và phù hợp với diễn biến tâm lý của một cô bé còn đang tuổi ăn tuổi lớn.

Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thứ 4 từ phải sang) cùng các tác giả có tác phẩm vào vòng chung khảo giải Dế Mèn. (Ảnh: Ban tổ chức giải cung cấp)

Nữ tác giả chia sẻ: “Tôi đã cố gắng đem vào cuốn sách tất cả những náo nhiệt, sinh động, linh hoạt, bát nháo của tuổi thơ. Tôi cũng yêu thích sự hài hước và muốn câu chuyện vang tiếng cười giòn giã. Nhưng sẽ có những khoảng lặng, như cuộc sống vốn thế, lũ trẻ cũng sẽ phải trải qua rất nhiều nỗi buồn, những hoang mang, khắc khoải để mà lớn lên.”

“Đu đưa trên ngọn cây bàng” giống như một giọt sương trong trẻo mà ai soi vào đó cũng có thể thấy một phần, một góc của con người mình, tuổi thơ mình, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa!

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-dua-tren-ngon-cay-bang-giot-suong-trong-veo-post709240.html