Đu đủ ngon bổ rẻ nhưng đây là tất cả những điều cần tránh khi ăn

Không thể phủ nhận đu đủ có thể coi là 'thần dược', bởi vừa tốt cho sức khỏe, vừa có thể chữa được nhiều bệnh. Tuy nhiên với một số người, cần tránh ăn đu đủ vì cực độc.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong tất cả các loại trái cây, đu đủ được cho là loại quả có chứa rất nhiều vitamin C. Vitamin C trong đu đủ sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, giải tỏa căn thẳng, kháng viêm.

Trong đu dủ còn có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa cholesterol tích tụ trong mạch máu, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch nghiêm trọng như: đau tim, tăng huyết áp.

Chất xơ có trong đu đủ còn giúp bạn no lâu, giảm cân hiệu quả hơn. Đu đủ chứa loại enzym tiêu hóa tự nhiên papain. Enzym này cùng với chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn và hỗ trợ quá trình đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.

Ngoài ra, đu đủ giàu chất chống ôxy hóa, chất dinh dưỡng thực vật và flavonoid giúp bảo vệ tế bào. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đu đủ giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng.

Tuy nhiên, đu đủ cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Theo khuyến cáo cần cân nhắc ăn đu đủ trong các trường hợp sau:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người bị rối loạn tiêu hóa

Ăn quá nhiều đu đủ sẽ làm đảo lộn hệ tiêu hóa của bạn, có thể gây ra rối loạn dạ dày với các triệu chứng như là đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng... Thủ phạm chính của các triệu chứng này là sự dồi dào của chất xơ và nhựa đu đủ có trong dạ dày khiến dạ dày phải co bóp nhiều. Nó thậm chí còn kích thích dạ dày gây ra những trận nôn mửa.

Người bị vàng da

Không những đu đủ chín, bí ngô, cà rốt, xoài… đều là những thực phẩm chứa nhiều Beta caroten. Nhiều người ăn nhiều thực phẩm này dẫn đến tình trạng vàng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu bàn tay, mu bàn chân do ứ đọng nhiều Beta caroten. Để cải thiện triệu chứng này, bạn nên dừng ăn một thời gian. Theo dõi nếu tình trạng không được cải thiện nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân.

Người có cơ địa dị ứng

Nếu bạn bị rối loạn hô hấp như hen suyễn, hoặc bất kỳ trường hợp dị ứng nào, hãy cẩn thận khi ăn đu đủ. Đôi khi phấn hoa có thể dính lên vỏ đu đủ nên hãy đảm bảo bạn đeo gang tay khi gọt đu đủ. Vứt vỏ và gang tay vào thùng rác ngay sau khi gọt xong.

Bạn cũng nên che miệng và mũi bằng khăn để tránh dị ứng. Dị ứng đu đủ thường có các triệu chứng sau: sưng miệng, ngứa xung quanh mặt và cổ họng, phát ban trên lưỡi, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, khó thở và khó nuốt.

Những người bị bệnh loãng máu

Những người bị bệnh loãng máu nên tránh ăn đu đủ vì lá đu đủ có khả năng làm loãng máu. Do đó nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để chữa bệnh loãng máu hoặc thuốc chống đông máu như aspirin chẳng hạn, hoặc bạn vừa trải qua một ca phẫu thuật cách đây vài tuần, hãy tránh xa đu đủ do tính chống đông máu của nó.

Bà bầu tránh ăn đu đủ xanh

Trong khi đu đủ chín được coi là an toàn và bổ dưỡng thì đu đủ xanh lại có thể làm tăng nguy cơ khiến tử cung bị co thắt do có nhựa. Nếu bà bầu ăn phải nhựa của đu đủ xanh, thai nhi có thể bị ảnh hưởng dẫn đến sảy thai hoặc sinh non, trẻ sinh ra bất thường thậm chí thai chết lưu.

3 thời điểm thích hợp nên ăn đu đủ

- Ăn sau khi ăn sáng khoảng 1 tiếng. Tuyệt đối không ăn đu đủ khi bụng đói

- Ăn vào buổi trưa để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể

- Ăn sau khi ăn tối khoảng 1 tiếng, không nên ăn quá muộn vì sẽ gây cảm giác khó chịu và khó đi vào giấc ngủ hơn.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/du-du-ngon-bo-re-nhung-day-la-tat-ca-nhung-dieu-can-tranh-khi-an-172220920152526508.htm