Dự đoán 4 kịch bản cho kinh tế thế giới trước đại dịch Covid-19

Các chuyên gia Bloomberg cảnh báo, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 2,7 ngàn tỷ USD do dịch Covid-19 nếu kinh tế Mỹ, Nhật Bản và khu vực Eurozone đều rơi vào suy thoái.

Dù dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả tại Trung Quốc, song đang lan rộng khắp các châu lục và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Thế giới có hơn 500.000 người nhiễm Covid-19 tính đến ngày 27/3.

Thế giới có hơn 500.000 người nhiễm Covid-19 tính đến ngày 27/3.

Dịch Covid-19 khởi phát từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12 ngoái đang bùng phát mạnh Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp và Iran và khiến hơn 500.000 người nhiễm trên toàn cầu.

Theo Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, với suy thoái ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản, GDP Trung Quốc thấp kỷ lục và tổn thất lên đến 2.700 tỷ USD (tương đương GDP Anh quốc).

Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất trong 4 kịch bản Bloomberg Economics đưa ra dựa trên tình trạng ở Trung Quốc, số ca nhiễm tại các nước, nguy cơ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và mô hình kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia Bloomberg đã đưa ra 4 kịch bản sau:

Kinh tế toàn cầu lao đao

Dịch bệnh Covid-19 khiến doanh số ô tô tại Trung Quốc sụt giảm 80% khi lượng người tham gia giao thông giảm 85%, các hoạt động kinh doanh lao dốc xuống mức thấp kỷ lục. Nền kinh tế Trung Quốc đã gần như tê liệt do chính phủ tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh để ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2.

Giới chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của Trung Quốc sẽ lao dốc 1,2%. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu nền kinh tế Trung Quốc không thể khôi phục hoạt động bình thường ngay trong tháng 3.

Trung Quốc là nhà xuất khẩu và nhập khẩu chính của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 2.100 tỷ USD. Trung Quốc đại lục cũng là nguồn thu lớn của các công ty đa quốc gia như Starbucks hay Yum.

Khi người Trung Quốc không đi du lịch, từ những khu nghỉ dưỡng ở châu Á cho đến các nhà hàng ở thủ đô Paris của Pháp đều chịu tổn thất lớn. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất linh kiện sản xuất lớn nhất thế giới. Khi các nhà máy Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa, nguồn cung điện thoại iPhone và máy móc xây dựng đều bị ảnh hưởng.

Trước đây, các cú sốc tại Trung Quốc từng ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm việc đồng Nhân dân tệ mất giá hồi năm 2015. Hiện dịch Covid-19 lặp lại kịch bản này với quy mô lớn hơn, cổ phiếu toàn cầu lao dốc và niềm tin kinh doanh sụt giảm mạnh.

Nếu Trung Quốc sớm kiểm soát được dịch bệnh và "công xưởng của thế giới" hoạt động trở lại trong quý II/2020, tác động lên phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu có thể được ngăn chặn.

Đây là một kịch bản khá khả quan, bởi theo nền tảng Made-in-China.com, khoảng 80% công ty sản xuất đã hoạt động trở lại vào cuối tháng 2. Đến cuối tháng 4, hoạt động sản xuất sẽ trở lại bình thường, theo CEO Made-in-China.com Li Lei.

Gián đoạn cục bộ

Tuy nhiên, vẫn khó có thể dự đoán tác động của dịch bệnh đối với GDP cả năm của Mỹ và các nước khác. Khi dịch bệnh chỉ bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 2, phần còn lại của thế giới chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Nhưng đến đầu tháng 3 khi Hàn Quốc xác nhận hơn 6.000 trường hợp nhiễm bệnh, 4.000 trường hợp ở Italia, hàng trăm ca nhiễm bệnh tại Nhật Bản, Đức, Pháp và Mỹ, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo Bloomberg, trong việc kiểm soát dịch Covid-19, các quốc gia này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn ở quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc, nước phong tỏa tỉnh Hồ Bắc 60 triệu dân. Vì thế nền kinh tế sẽ chịu tác động nhỏ hơn trong ngắn hạn.

Với kịch bản thứ hai, các chuyên gia của Bloomberg cho rằng Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn để đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường như thời điểm trước dịch.

“Ngay cả khi các nhà máy hoạt động trở lại, nó không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết. Nhiều nhà máy không có đủ hàng dự trữ, một số trở ngại trong chuỗi cung ứng cản trở năng lực sản xuất”, chuyên gia Li thuộc Made-in-China.com nhận định.

Các chuyên gia Bloomberg cảnh báo, kinh tế thế giới có thể thiệt hại tới 2,7 ngàn tỷ USD do dịch Covid-19.

Theo các chuyện gia của Bloomberg, nền kinh tế Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Pháp và Đức đều bị tác động nghiêm trọng. Điều này dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 giảm xuống 2,3%, thấp hơn mức 3,1% được dự đoán trước đó.

Đối mặt nguy cơ suy thoái

Trong trường hợp thứ ba, Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Pháp và Đức chịu cú sốc lớn hơn. Trong khi đó, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Canada và Brazil cũng chịu áp lực không nhỏỏ. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo các chuyên gia Bloomberg, trong trường hợp này, tăng trưởng toàn cầu năm 2020 sẽ trượt xuống 1,2%. Khu vực Eurozone và Nhật Bản rơi vào suy thoái, tăng trưởng Mỹ lao dốc còn 0,5% và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Khủng hoảng toàn cầu

Trong trường hợp xấu nhất, tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cú sốc tương đương Trung Quốc trong quý I/2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ trượt về mức 0%.

Nếu kịch bản này diễn ra, nền kinh tế Mỹ cũng rơi vào suy thoái giống khu vực Eurozone và Nhật Bản. Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới - sẽ chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 3,5% trong năm 2020, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980. Sản lượng toàn cầu bị tổn thất lên tới 2.700 tỷ USD.

Trước đó, do ảnh hướng từ sự bùng phát của dịch Covid-19, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng năm 2020 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế thế giới kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,8% vào cuối năm nay.

OECD cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,4% và cảnh báo có thể giảm xuống 1,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) xác nhận rằng sự lây lan của đại dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 570 tỷ USD/năm, hoặc khoảng 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Nguyễn Phương (Theo Bloomberg)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-doan-4-kich-ban-cho-kinh-te-the-gioi-truoc-dai-dich-covid-19-379152.html