Đủ điều kiện để trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh ra Quốc hội

Chiều 17.4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất, dự án Luật đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân...

Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cần phải ban hành Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện của hệ thống pháp luật và giảm thiểu các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Theo đó dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 6 chương, 40 điều.

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu tại Tờ trình số 106/TTr-CP và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua… Trong đó, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về hồ sơ dự án Luật, thường trực Ủy ban thấy rằng, về cơ bản hồ sơ dự án Luật bảo đảm các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Tờ trình những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Quốc hội; bổ sung vào Báo cáo tổng kết những thông tin mới về tình hình, kết quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Đã có 8 ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, góp ý cho dự án Luật này. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng dự án Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới. Trong đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng dự án Luật đã được chuẩn bị tương đối tốt. Dự án Luật có 40 điều trong đó có 16 điểm mới, thể hiện được tinh thần cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để phục vụ nhân dân, hiện đại hóa năng lực quản lý…

Đánh giá rằng dự án Luật, báo cáo thẩm tra Luật đã được chuẩn bị kỹ, đủ điều kiện trình ra Quốc hội và nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga góp ý thêm rằng, dưới góc độ của thực tiễn và hoạt động tư pháp, Luật này phải góp phần ngăn chặn tội phạm nước ngoài xâm nhập vào trong nước thông qua con đường nhập cảnh và tội phạm trong nước ra nước ngoài bằng cách xuất cảnh, đặc biệt là nhóm tội phạm về tham nhũng.

Vì thế bà Nga đề nghị Luật này phải đưa ra được những qui định cụ thể để hạn chế tình trạng trên cũng như phải đặt ra yêu cầu minh bạch trong thủ tục về xuất, nhập cảnh…

THU SÂM

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/artmid/422/articleid/17627/du-dieu-kien-de-trinh-du-an-luat-xuat-canh-nhap-canh-ra-quoc-hoi