Dư địa từ thị trường Trung Đông

Được biết đến là thị trường dễ tính, giàu tiềm năng, tuy nhiên, khu vực Trung Đông vẫn ẩn chứa những rủi ro.

Rủi ro trong thanh toán

Trong bối cảnh phải mở rộng thị trường, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông là một hướng đi mới phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam.

Trung Đông là thị trường lớn với dân số hơn 400 triệu dân bao gồm 16 quốc gia. Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Đông các sản phẩm như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên, hạt điều, trái cây (đặc biệt là chuối, dứa, chanh..), thủy sản, các mặt hàng may mặc, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ.

Những sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông bao gồm: phân bón các loại, hóa chất, quặng và khoáng sản, vải…

Thị trường Trung Đông nói riêng và thị trường các nước Hồi giáo nói chung có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản, rau củ quả. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Văn phòng chứng nhận Halal cho các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi giáo) cho rằng, các thị trường này không có nhiều rào cản kỹ thuật và thuế quan nhưng yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp muốn mở rộng xuất khẩu vào thị trường này thì sản phẩm có chứng nhận Halal là điều kiện bắt buộc.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Trung Đông là thị trường rất lớn, tuy nhiên, cho tới nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên còn rất thấp do nhiều nguyên nhân. Hiện hai bên còn gặp khó khăn trong khâu thanh toán cho các hợp đồng thương mại và chuyển tiền đầu tư.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng gặp rủi ro trong tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, trọng lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng do người ký hợp đồng không có năng lực chủ thể đầy đủ…

Doanh nghiệp hai bên chủ yếu hợp tác thanh toán qua các ngân hàng trung gian ở Dubai, Trung Quốc, Singapore hoặc một số nước châu Âu với chi phí trung gian và rủi ro tài chính cao.

Theo ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, đây là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu chuối. Công ty ông đã từng xuất khẩu chuối sang Trung Đông nhưng gặp nhiều khó khăn trong thanh toán.

Để xuất khẩu được chuối sang thị trường này đòi hỏi khâu bảo quản sau thu hoạch rất cao, trong khi đó các vùng trồng chuối ở Việt Nam lại không tập trung.

Giải bài toán thanh toán

Từ những khó khăn gặp phải, ông Võ Quang Huy cho rằng, nhà nước cần có giải pháp can thiệp, hỗ trợ về thanh toán cũng như xây dựng tiêu chuẩn cho hàng hóa sang Trung Đông, trong đó có chuối.

Còn theo ông Lê Quang Nhuận - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice, doanh nghiệp bên Trung Đông thường thanh toán sau 7-10 ngày, trong khi hàng hóa sang đây đã mất mấy chục ngày. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải mạnh về vốn và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong vay vốn khi đẩy mạnh xuất khẩu vào đây.

Ông Trần Văn Trí, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Iran kiến nghị, Chính phủ thúc đẩy cơ chế hợp tác ngân hàng để đại lý hai bên sớm có liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho khâu thanh toán. Có cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước và tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa các trang thiết bị, máy móc sang Iran phục vụ đầu tư sản xuất. Đề nghị tránh đánh thuế 2 lần với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hình thức hàng đổi hàng.

Sau nhiều năm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Đông, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết , ông nhận thấy thị trường này có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, thủy sản. Các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Trung Đông có thể thông qua thị trường Dubai, vì đây là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất của khu vực, đồng thời là cửa ngõ, là nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp Trung Đông. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tham gia các hội chợ thương mại hàng năm tại Dubai để có thể gặp gỡ trực tiếp những nhà mua hàng đến từ tất cả các nước Trung Đông và khu vực lân cận.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Phi và Trung Đông, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam, cung cấp thông tin thị trường tại châu Phi và Trung Đông cho doanh nghiệp nắm rõ.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thi-truong-trung-dong-138201.html