Dư địa để giảm chi rất lớn

Bố Y tế vừa cho biết trong hai năm gần đây đã giảm được 25.362 người hưởng lương ngân sách từ các cơ sở y tế do bộ trực tiếp quản lý. Số người này tuy chẳng thấm vào đâu so với hơn 2 triệu người tại hàng chục ngàn đơn vị sự nghiệp công lập đang được nhà nước chi trả lương, nhưng mỗi năm cũng đã tiết kiệm cho ngân sách đến 2.127 tỉ đồng tiền lương. Nếu tính cả số giảm chi cho các cơ sở y tế đã thống kê được tại 45 tỉnh, thành do áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, chỉ trong năm ngoái ngân sách đã tiết kiệm gần 9.300 tỉ, bằng hai phần ba số tiền thuế mà Bộ Tài chính kỳ vọng thu được thêm khi đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường đánh vào xăng, dầu.

Ảnh: Thành Hoa.

Số liệu được Chính phủ công bố cuối năm ngoái cho thấy, cả nước có gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 2,45 triệu lao động. Đáng chú ý là trong số này chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên và chi đầu tư, còn lại phải dựa vào ngân sách, trong đó đến 42.126 đơn vị hoàn toàn sống nhờ ngân sách. Theo dự toán chi năm 2017, số tiền ngân sách phải chi để trả lương cho các đơn vị sự nghiệp công đến 42-43% tổng chi thường xuyên (tương đương gần 200.000 tỉ đồng).

Cả nước có gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 2,45 triệu lao động. Đáng chú ý là trong số này chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên và chi đầu tư, còn lại phải dựa vào ngân sách, trong đó đến 42.126 đơn vị hoàn toàn sống nhờ ngân sách.

Rõ ràng đây là dư địa rất lớn để giảm chi mà Bộ Tài chính không thể không tính đến khi tính toán các giải pháp nhằm giúp cân bằng thu - chi ngân sách. Thậm chí, nó còn tiềm năng hơn cả việc đưa ra các sắc thuế mới để tăng thu mà Bộ Tài chính đã cố gắng đề xuất trong thời gian qua.

Trong chương trình hành động được ban hành hồi đầu năm nay (Nghị quyết 08), Chính phủ đặt ra mục tiêu rất rõ ràng. Cụ thể, theo từng giai đoạn, đến năm 2030 sẽ giảm hơn nửa triệu người hưởng lương nhà nước và giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp trên 30%; chuyển 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Có thể thấy mục tiêu trên của Chính phủ là khá khiêm tốn. Vì ngay cả khi hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Nghị quyết 08, thì đến năm 2030 ngân sách vẫn tiếp tục phải nuôi gần một triệu rưỡi người làm việc ở các cơ sở sự nghiệp công lập.

Nhưng ngay mục tiêu dù khiêm tốn đó, cũng không dễ dàng thực hiện. Thực tế, việc cải tổ, thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp chuyển sang tự chủ tài chính, siết biên chế... đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng kết quả gần như chẳng thu được gì nếu xét trên tổng thể. Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê công bố đầu năm nay cho thấy, số lượng đơn vị sự nghiệp và hành chính tính đến hết năm 2017 chẳng những không giảm mà còn tăng tới 2,3% so với năm 2012.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với nỗ lực cải tổ khối đơn vị sự nghiệp công lập này chính là nhiệm vụ chính trị, phúc lợi xã hội và công ích... được gắn cho hoạt động của nó - vai trò đã có từ thời bao cấp và gần như không mấy thay đổi cho đến ngày nay. Trong quá khứ, duy trì hệ thống đơn vị sự nghiệp để đảm nhận nhiệm vụ phúc lợi xã hội, công ích... là hợp lý, nhưng hiện nay nó lại đang tạo ra nghịch lý và bất bình đẳng trong xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, những nhóm người hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống phúc lợi xã hội và công ích mà Nhà nước cung cấp qua hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao... không phải là những đối tượng cần được hỗ trợ nhất, chẳng hạn như người nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bởi lẽ, những cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao tốt nhất, có chất lượng nhất đều tập trung hết ở các đô thị, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM.

Tấn Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275854/du-dia-de-giam-chi-rat-lon-.html