Dư địa cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2020

Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội, dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể. Mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư, kích thích tiêu dùng chính là những động lực cho tăng trưởng.

Các diễn giả thảo luận triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Ảnh: LV

Các diễn giả thảo luận triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Ảnh: LV

Các động lực tăng trưởng chính đều giảm

Phân tích rõ hơn về những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới nền kinh tế tại hội thảo “Dịch Covid-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam” diễn ra ngày 23/7, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết, 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Mặc dù đầu tư công có cao hơn so với cùng kỳ nhưng chưa đạt mức độ đề ra. Đồng thời, 6 tháng đầu năm cũng chứng kiến sự suy giảm mạnh trong đầu tư từ tư nhân và đầu tư nước ngoài, giảm từ con số 16,4% của 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 4,6% của 6 tháng đầu năm 2020.

Covid làm ảnh hưởng tới ngồn vốn ODA ở 2 góc độ: giải ngân vốn ODA và nguồn cung ODA. Dự báo ODA từ các nước OECD giảm tương đối nhanh, kể cả ở các kịch bản lạc quan nhất từ 153 tỷ USD xuống còn 138 tỷ USD năm 2020, với kịch bản xấu hơn chỉ còn 128 tỷ USD.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng là xuất khẩu đã sụt giảm mạnh trong quý II/2020, giảm 6,4%. Do cầu nhập khẩu bị thu hẹp, xuất khẩu khó khăn nên xuất khẩu 6 tháng hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, điện thoại còn tăng trưởng âm.

Về tiêu dùng, tiêu dùng Chính phủ không có sự đột biến, tỷ lệ giải ngân đạt 48,2% dự toán, tương đương cùng kỳ năm 2019 (48,3%). Tuy nhiên, tiêu dùng dân cư có sự suy giảm mạnh khi 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ở mức -5,3% (cùng kỳ năm 2019 là 8,5%); doanh thu dịch vụ du lịch ở mức -53,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống: -18,1%...

Đầu tư công có thể “cứu cánh” cho tăng trưởng

Ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc NICF cho biết, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội và nhiều đối tượng, mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư, kích thích tiêu dùng là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt qua mức bình thường cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển.

Nhận định về xu hướng 6 tháng cuối năm, TS. Trần Toàn Thắng cho biết, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát đang trong xu thế giảm. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp là cơ sở cho chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Không gian chính sách tài khóa và tiền tệ còn rộng là cơ hội cho việc gia tăng tổng cầu.

Tiếp đó là cần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư trong nước. Để làm được điều này cần xem xét giảm mức thuế VAT trong giai đoạn 2020-2022, giảm VAT sẽ thúc đẩy tiêu dùng vốn đã bị suy giảm do Covid. Bên cạnh đó là tiếp tục hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn; giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn; đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức trong quý IV/2020 và đầu năm 2021.

Đồng thời, thực hiện điều chuyển vốn sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh. Theo tính toán, ở kịch bản giải ngân theo kế hoạch 2020 (470,6 nghìn tỷ đồng), nếu giải ngân được 80% đầu tư công sẽ có thể tạo ra 0,6% GDP trong quý IV; nếu ở kịch bản 470,6 nghìn tỷ đồng cộng với 225,2 nghìn tỷ đồng chuyển từ năm 2019 thì có thể tạo ra 1% GDP.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Việt Nam vẫn còn dư địa cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nguồn lực này đã được tích lũy trong những năm vừa qua do tiết kiệm chi thường xuyên, tiền tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội... nên còn dư địa dể thực hiện các gói hỗ trợ như Chính phủ đã ban hành như gói 62.000 tỷ đồng.

"Ngoài ra, dự trữ ngoại hối vẫn đạt và đảm bảo an toàn. Việt Nam còn nguồn lực. Nếu tình hình xấu hơn, chúng ta vẫn có nguồn lực để hỗ trợ cho nền kinh tế", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Cho ý kiến về giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, cần xác định được Việt Nam đang ở đâu, trong giai đoạn phục hồi hay vẫn đang trong giai đoạn chống chịu với Covid thì sẽ định hình chính sách phù hợp hơn. Nếu chúng ta gắn với quan điểm, kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong ICU- “tình trạng cấp cứu” thì chính sách tài khóa cần tập trung vào cứu trợ khẩn cấp, phục hồi kinh tế ngay lập tức. Đặc biệt với gói 62.000 tỷ đồng, nếu thực hiện nhanh, có thể làm giảm mức độ nghèo xuống 10%.

Cũng theo ông Cường, ngoài sự tập trung về tăng trưởng, đã đến lúc cần nhấn mạnh hơn vào ổn định cuộc sống, tập trung vào công ăn việc làm, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương. Do đó, về giải ngân, bên cạnh những công trình lớn tạo động lực cho tăng trưởng, thì phải ưu tiên những dự án mà có thể tạo ra công ăn việc làm ngay cho người dân.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-23/du-dia-cho-tang-truong-va-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-nhung-thang-cuoi-nam-2020-89881.aspx