"Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng hướng về phía nam Tổ quốc"! (★)

Bốn tháng sau ngày đất nước thống nhất, người lính đặc công Nguyễn Tiến Bình viết trong nhật ký: "Dạo này mình cảm thấy mình thèm khát được đi học quá. Đọc báo Quân đội nhân dân có bài nói về vật lý, hay mấy bài toán trong báo Tiền phong,mình chẳng hiểu gì cả. Thật ngu dốt và kém cỏi. Mình thấy tủi thân, buồn bực, xót xa xáo trộn. Nếu không có giặc Mỹ, không có chiến tranh thì mình đâu có cam chịu như vậy...

Bốn tháng sau ngày đất nước thống nhất, người lính đặc công Nguyễn Tiến Bình viết trong nhật ký: "Dạo này mình cảm thấy mình thèm khát được đi học quá. Đọc báo Quân đội nhân dân có bài nói về vật lý, hay mấy bài toán trong báo Tiền phong,mình chẳng hiểu gì cả. Thật ngu dốt và kém cỏi. Mình thấy tủi thân, buồn bực, xót xa xáo trộn. Nếu không có giặc Mỹ, không có chiến tranh thì mình đâu có cam chịu như vậy...

Đất nước và dân tộc đang vươn tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, trí tuệ của con người cũng phát triển không ngừng. Thế mà mình dậm chân tại chỗ, tụt lại đằng sau. Rõ ràng vậy thôi, sự phát triển của kiến thức không cho phép ai dừng lại một chỗ bao giờ, một là tiến lên, hai là tụt xuống mà thôi. Mình mong ước tổ chức cho đi học thì tốt quá...". Rồi với tâm nguyện ấy, anh đã nỗ lực hết mình để mấy chục năm sau trở thành Trung tướng, Phó Giáo sư, tiến sĩ có uy tín thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn trong quân đội. Và ngày anh "về nơi yên tĩnh đời đời", mấy ai biết trong gia tài người lính ấy để lại có hai tập nhật ký được viết trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mấy ai biết trong những ngày mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, người lính trẻ ấy đã tâm sự với trang giấy: "Những gì đang chờ đón ta? Ta phải làm những gì?

Làm như thế nào? Ngày mai! Một ngày mới sẽ chẳng bao giờ giống những ngày đã qua. Chỉ có một ý nghĩ duy nhất không thay đổi: Ngày mai ta phải nỗ lực hơn, xứng đáng hơn những ngày đã qua. Thế đấy để một phút trôi đi lãng phí cũng là để một mẩu đời vô vị, một mẩu đời không xứng đáng trong cả cuộc đời".

Dù là tài sản cá nhân thì các trang nhật ký viết trong những năm tháng chiến tranh của Nguyễn Tiến Bình vẫn cần đến với bạn đọc. Bởi chúng sẽ góp phần cắt nghĩa tại sao lớp lớp Anh Bộ đội Cụ Hồ có thể vượt mọi khó khăn gian khổ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", góp phần cắt nghĩa tại sao một người lính đặc công lại có thể tiếp tục trưởng thành sau chiến tranh. Đọc nhật ký của anh, bạn đọc sẽ phần nào hiểu tại sao trong tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn không lúc nào ngớt bom đạn, thiên nhiên khắc nghiệt, ăn đói mặc rét, ốm đau, bệnh tật hành hạ, kẻ thù rình rập trên mỗi chặng đường hành quân,... những người lính vẫn hứa với nhau: "Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng hướng về phía nam Tổ quốc". Đọc nhật ký của anh, bạn đọc sẽ biết tiếng kêu xé lòng của những người lính mỗi khi đồng đội hy sinh, biết về những tâm sự xúc động của người lính khi sống giữa nhân dân, được nhân dân che chở, đùm bọc, bảo vệ, bên cạnh đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nỗi lo các em còn nhỏ.

Đọc cuốn nhật ký bạn đọc sẽ hiểu thêm về những người lính Cụ Hồ đã sống và ứng xử như thế nào trong nhân dân qua câu chuyện anh ghi trong nhật ký: "Nghe tin mình sắp đi, gia đình ông Sáu Thân bắt cho mình một con gà mái đang đẻ, sáu quả trứng, nhưng mình và anh em không chịu. Mình bảo cậu Hoàng liên lạc mang trả lại gia đình. Nhưng ông bà không chịu, mình phải lên nói chuyện, thuyết phục thì ông bà mới đồng ý giữ lại con gà duy nhất của gia đình. Nhìn mấy đứa cháu quần áo mong manh, trời đang chuyển gió lạnh mà thương, mà đau xót.

Mình báo quản lý cấp cho mình tấm vỏ chăn hoa theo tiêu chuẩn năm nay để mang cho các cháu, cắt cho mỗi đứa cháu bộ quần áo mới. Anh em trong đơn vị cũng rất thương gia đình, nhưng không biết giúp đỡ gì hơn". Và đọc nhật ký của Nguyễn Tiến Bình, bạn đọc sẽ biết thêm về những người lính quả cảm trên chiến trường năm xưa không phải là những con người sắt đá. Họ yêu đời, yêu thơ, nhớ từng câu thơ đã đọc, và họ làm thơ nữa.

Với họ, thơ trước hết là sự giải tỏa tinh thần, là nơi gửi gắm tâm sự riêng tư, là nơi chuyển tải những nỗi niềm mà không phải khi nào cũng nói thành lời.

Theo thời gian, những người lính cùng thế hệ với Trung tướng Nguyễn Tiến Bình ngày càng vơi mỏng. Qua những trang nhật ký, người đọc có thể thấy các anh chị đã sống, đã hành động như những con người chân chính, dù vướng bận bao nỗi riêng tư thì vẫn suy nghĩ, hành động vì cái chung của dân tộc. Chính vì thế, hoàn toàn có thể tin nếu không ngã xuống trên chiến trường thì sau chiến tranh, những con người như chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc,... sẽ tiếp tục là công dân tử tế của đất nước. Các anh chị sẽ tiếp tục làm những công việc hữu ích cho dân tộc, cho quê hương như anh Nguyễn Tiến Bình. Vì thế, dù nhật ký là thế giới riêng của mỗi người, được viết ra không phải để được công bố thì thiết nghĩ, vẫn cần đưa những dòng chữ thắm tình người, đỏ mầu máu ấy đến với mọi người.

Đó là những dòng chữ không chỉ dành cho chúng ta, mà còn dành cho con cháu của chúng ta.

(★) Đọc Nhật ký chiến trườngcủa Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2014.

NGUYỄN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/item/24156702-du-co-nga-xuong-tren-duong-hanh-quan-thi-dau-cung-huong-ve-phia-nam-to-quoc-%e2%98%85.html