'Dư chấn khủng khiếp' từ vụ nổ ở Lebanon

Việc toàn bộ chính phủ từ chức sau vụ nổ ở thủ đô Beirut được cho là bước ngoặt lớn ở Lebanon, một 'dư chấn' thật sự khủng khiếp.

Việc toàn bộ chính phủ từ chức sau vụ nổ ở thủ đô Beirut được cho là bước ngoặt lớn ở Lebanon, một “dư chấn” thật sự khủng khiếp.

Những ngóc ngách hoang tàn sau vụ nổ ở Beirut, Lebanon. Ảnh: AP

Những ngóc ngách hoang tàn sau vụ nổ ở Beirut, Lebanon. Ảnh: AP

Thủ tướng Lebanon Hassan Diab xác nhận việc chính phủ của ông sẽ từ chức trong bối cảnh người dân phẫn nộ yêu cầu các giới chức có trách nhiệm giải trình về vụ nổ kinh hoàng hôm 4-8 tại cảng Beirut, vốn được đánh giá là thảm họa thời bình lớn nhất trong lịch sử nước này.

Toàn bộ chính phủ “bị thổi bay”

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hassan cho biết, đích thân ông Diab sẽ đến Phủ Tổng thống để nộp đơn xin từ chức của toàn bộ các bộ trưởng sau khi đã có ít nhất 4 bộ trưởng trong nội các quyết định từ chức để gây áp lực lên chính quyền sau vụ nổ ở Beirut.

“Phạm vi của thảm họa này lớn hơn những gì có thể mô tả”, Thủ tướng Diab cho biết trong một bài phát biểu trước một quốc gia đang bị tổn thương hôm 10-8 (giờ địa phương), chỉ sau 7 tháng lên nắm quyền. Ông đổ lỗi cho một tầng lớp chính trị tham nhũng đã phá hoại chính quyền của ông. “Mỗi bộ trưởng đã cống hiến hết mình. Nhưng một số người chỉ quan tâm đến việc ghi điểm chính trị, chính hành vi tham nhũng của họ đã dẫn đến thảm họa này”, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh thêm.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trước khi vụ nổ xảy ra, nền kinh tế của nước này đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đồng tiền mất giá, người dân không thể vay vốn ngân hàng trong khi việc cắt điện khiến cả xã hội chìm vào bóng đêm. Đường phố tại Lebanon chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ trong những năm gần đây. Trong khi đó, Thủ tướng Diab không thực hiện được yêu cầu của những người biểu tình đã xuống đường từ tháng 10-2019 để tìm kiếm sự thay đổi, cũng như không đàm phán với các nước tài trợ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về khoản viện trợ hàng tỷ USD mà một quốc gia đang chìm trong nợ nần rất cần.

Và vụ nổ hôm 4-8 giống như “giọt nước tràn ly”, khiến cơn thịnh nộ của người dân lên đỉnh điểm. Tại Lebanon, việc cải cách bỗng trở thành một vấn đề cấp bách với mọi tầng lớp nhân dân. Ngay chính những nhà tài trợ quốc tế cũng ra điều kiện tiên quyết yêu cầu Lebanon phải cải cách và minh bạch nếu muốn nhận được tiền ủng hộ tái thiết Beirut. Và lần này, việc toàn bộ chính phủ từ chức sau vụ nổ được cho là bước ngoặt lớn ở nước này.

Chính phủ đã nhận cảnh báo về vụ nổ?

Sự phẫn nộ của người dân càng thêm sục sôi khi Reuters ngày 11-8 dẫn nguồn tin an ninh cấp cao Lebanon cùng một tài liệu mà hãng tin này tiếp cận được cho biết, các quan chức an ninh Lebanon đã cảnh báo Thủ tướng Diab và Tổng thống Michel Aoun về việc kho hóa chất ở cảng Beirut có thể phá hủy thủ đô nếu phát nổ. Tuy nhiên, chính phủ đã phớt lờ các cảnh báo.

Theo Reuters, bức thư cảnh báo được gửi ngày 20-7, tức chỉ 2 tuần trước khi 2.750 tấn ammonium nitrate phát nổ tại cảng Beirut, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng và làm 6.000 người khác bị thương, phá hủy nhiều nhà cửa, biến hơn 250.000 người thành vô gia cư. Một quan chức an ninh cấp cao khẳng định, bức thư nhắc đến kết quả thanh tra hồi tháng 1, kết luận rằng, ammonium nitrate cần phải được đảm bảo an toàn ngay lập tức. “Tôi cảnh báo Tổng thống và Thủ tướng rằng nếu không có biện pháp xử lý an toàn ammonium nitrate thì một vụ nổ có nguy cơ xảy ra, tàn phá Beirut”, Reuters dẫn lời một quan chức an ninh có tham gia viết bức thư cho biết. “Có một mối nguy hiểm là nếu khối hóa chất bị đánh cắp, chúng có thể được sử dụng để tấn công khủng bố”, một quan chức khác tiết lộ thêm. Theo nguồn tin, Tổng Công tố Ghassan Oweidat đã chuẩn bị bản báo cáo cuối cùng gửi các cơ quan chức năng và đây là bức thư gửi tới Tổng thống và Thủ tướng.

Hiện, Văn phòng Thủ tướng và Phủ Tổng thống chưa đưa ra bình luận gì về thông tin bức thư này.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_229623_-du-chan-khung-khiep-tu-vu-no-o-lebanon.aspx