Đủ bệnh vì đường đi làm hay ngập nước?

Tôi sống ở TP HCM được 4 năm nhưng không thể quen được những mùa mưa, đường đi làm lẫn về nhà hay ngập nước. Năm nào tôi cũng bị đủ thứ bệnh, từ nặng đầu, nhức cơ, cảm ho, nấm chân… Có cách gì để giảm bớt không?

Bạn đọc Trần Nguyên Hà (nữ, 27 tuổi, quận 7, TP HCM), hỏi: Đã 4 năm nay, suốt nửa năm mùa mưa tôi liên tục bị cảm ho, sổ mũi, viêm họng, nhức cơ, nhức đầu, nấm kẽ chân…, sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều và rất tốn tiền đi bác sĩ. Lý do chính có lẽ vì tôi mất tới 1 tiếng mỗi lượt đi/về giữa nhà và cơ quan, đường đi lại qua nhiều nơi, kẹt xe, ngập nước, phải ngâm chân trong nước lạnh rất lâu.. Có cách nào thích nghi với "mùa nước nổi" Sài Gòn không?

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:

Việc dầm mưa lâu trong tình trạng kẹt xe, ngập nước khiến bạn bị nhiều yếu tố bất lợi tấn công một lúc: độ ẩm không khí cao do mưa khiến cơ thể bị nhiễm thấp khí, tay chân ướt lạnh, thân mình thì bị bọc kín trong áo mưa lâu dẫn đến mồ hôi không thoát ra được, thấm ngược vào lỗ chân lông gây nhiễm lạnh.

Khá nhiều người gặp tình trạng giống bạn. Các triệu chứng phổ biến ngay sau khi đi mưa, lội nước ngập về là nhức đầu, tay chân nặng nề, có thể sốt hâm hấp. Sau đó, có thể gặp các đợt cảm, ho, viêm mũi họng, nấm kẽ chân… Tình trạng này cũng khiến bạn bị giảm sức đề kháng, các mầm bệnh khác do virus, vi khuẩn… dễ xâm nhập.

Để hạn chế, bạn cần xử lý đúng cách mỗi lần phải đi mưa, lội nước cả tiếng về: lau khô người và nghỉ ngơi một chút. Nhiều người vội vàng lao vào nhà tắm, tắm cho sạch, nhưng không nên vì có thể khiến bạn nhiễm nước nghiêm trọng hơn. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể pha một ít trà gừng uống cho ấm người.

Khi đã bớt mệt, bạn có thể tắm rửa bằng nước ấm cho sạch sẽ. Riêng đôi chân, hãy rửa bằng 1 trong 2 công thức sau: 1 muỗng canh muối hột hòa cùng 1 lít nước ấm, hoặc một nắm lá trầu không nấu trong 1 lít nước. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa nấm kẽ chân rất tốt, làm dịu những cơn ngứa mới chớm do nước ăn chân.

Theo như trong thư, bạn có vẻ dễ bị các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy trong bữa ăn hàng ngày, bạn nên bổ sung các loại rau có tinh dầu (rau thơm), sả. Những loại thực vật này giúp bạn tăng cường sức đề kháng, giảm bớt viêm mũi dị ứng, tránh thấp khí xâm nhập, bảo vệ hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, bạn nên tăng cường tập thể dục, thể thao vì có vẻ cơ thể bạn khá yếu, dễ bị bệnh tật xâm nhập và tác động của thời tiết. Khi sức khỏe tổng thể được nâng cao, bạn tự khắc bớt bệnh mà không cần tốn kém điều trị.

Anh Thư thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/du-benh-vi-duong-di-lam-hay-ngap-nuoc-20180705155542093.htm