Dự báo thương chiến Mỹ - Trung: Việt Nam tận dụng được gì?

Theo ông Chua Hak Bin, chuyên gia Kinh tế trưởng của Maybank Kimeng Group, thương chiến Mỹ -Trung tiếp tục phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trả lời báo DĐDN, chuyên gia kinh tế trưởng của Maybank Kimeng Group cho biết có khá nhiều diễn biến đáng lưu ý trong cuộc thương chiến Mỹ- Trung hiện nay.

- Ví dụ cụ thể đó là những diễn biến gì, thưa ông?

Trong một bước ngoặt của sự kiện, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đến giai đoạn cao trào vào đầu tháng 8 với việc Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng thêm 15% thuế quan đối với khoảng 270 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc (trong đó 110 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu sẽ bị áp thuế từ ngày 1 tháng 9 và 160 tỷ đô la từ ngày 15 tháng 12).

Bất chấp thỏa thuận “đình chiến thương mại 2.0” giữa Mỹ và Trung Quốc trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào cuối tháng 6 năm 2019. Trung Quốc cũng đã trả đũa bằng thuế quan 5-10% đối với 75 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang giúp Việt Nam hưởng lợi. Ảnh: Sản xuất tại Tập đoàn Hoa Sen (nguồn ảnh: HSG)

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang giúp Việt Nam hưởng lợi. Ảnh: Sản xuất tại Tập đoàn Hoa Sen (nguồn ảnh: HSG)

Đây là kết quả của việc các nhà chức trách Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ vi phạm thương thuyết ngưỡng tâm lý 7 CNY/1 USD. Theo đó, lần đầu tiên sau 25 năm kể từ giai đoạn 1992-1994 Bộ Tài chính Hoa Kỳ lại gắn mác Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ.

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ khiến cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rộng hơn thành cuộc chiến tranh tiền tệ. Làn sóng thuế quan tiếp theo của Mỹ có thể sẽ mang đến nhiều sự xáo trộn hơn nữa đối với nhu cầu điện tử toàn cầu

- Những diễn biến này đang và sẽ tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu, châu Á và Việt Nam?

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm suy yếu nghiêm trọng quan hệ kinh doanh cũng như lòng tin của người tiêu dùng. Điều này có tác động xấu đến thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự suy giảm trong nền kinh tế Trung Quốc cũng đã dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của nước này giảm rất mạnh.

Điều này càng làm tăng thêm tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của chung cả khu vực. Trong tháng 7/2019, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019 xuống từ + 3,3%.còn + 3,2%.

Bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) trong bản cập nhật hàng tháng vào tháng 7, cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực xuống + 4,9% (từ mức 5,1% trước đó vào đầu tháng 5), trên cơ sở những bất ổn liên tục liên quan đến thương mại toàn cầu.

Singapore, nơi được coi như hàn thử biểu của kinh tế châu Á đã chứng kiến sự tăng trưởng ở mức thấp hơn + 0,1% cho GDP trong 2 Quý, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Mặc dù chúng tôi nghĩ rằng Singapore có thể đã tránh được suy thoái kỹ thuật trong 3 Quý, vì suy thoái sản xuất giảm bớt (on front loading) và dịch vụ được hỗ trợ bởi ngành du lịch khách sạn và tài chính, tăng trưởng GDP cả năm sẽ vẫn yếu ở mức + 0,6% vào năm 2019 và + 1,6% năm 2020.

Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại khác như Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan cũng đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế do nhu cầu toàn cầu bị chậm lại bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Đối với Việt Nam, chúng tôi hy vọng tăng trưởng của Việt Nam sẽ vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn bên ngoài trong năm nay. Sự tăng trưởng chậm lại của Việt Nam sẽ được bù đắp một phần bởi sự chuyển hướng đầu tư và thương mại do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế toàn cầu và diễn biến cuộc thương chiến từ một số thông số quan trọng của 2 “nhân vật” chính, cụ thể như các kế hoạch áp thuế hàng hóa mới của chính quyền Trump, Fed hạ lãi suất USD; còn phía Trung Quốc là phá giá đồng Nhân dân tệ, đưa ra báo cáo về kinh tế còn u ám với các chỉ số việc làm suy giảm…?

Triển vọng kinh tế toàn cầu trong cuối năm 2019 có thể sẽ vẫn yếu do sự căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Việc Fed nới lỏng lãi suất đã giảm bớt áp lực cho nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam.

Tình trạng lạm phát nhẹ cũng giúp cho các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trong việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đã cắt giảm chính sách lãi suất của họ gần đây. Đối với Singapore, chúng tôi hy vọng rằng ngân hàng trung ương (MAS) sẽ nới lỏng về mức trung lập hoặc độ dốc đánh giá Zero của biên độ tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa của đồng Sing (SGD NEER) (từ lập trường tăng giá khiêm tốn và dần dần) tại cuộc họp chính sách tháng 10 để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu có thể có một số phục hồi vào năm 2020 nếu thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể đạt được trước cuối năm nay.

- Liệu có thể hy vọng vào những đàm phán "mềm" và khả năng xuống thang thương chiến?

Quan điểm của chúng tôi cho rằng một số hình thức của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn có thể đạt được trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 (tháng 11/2020).

Ông Chua Hak Bin

Tuy nhiên,đây có khả năng mới chỉ là một thỏa thuận bề nổi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn phải cần khá lâu nữa mới có thể được giải quyết và có thể còn tiếp tục diễn ra ở các lĩnh vực khác.Bao gồm:

[1] Việc Bộ tài chính Hoa Kỳ gắn mác Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ gần đây có thể mở rộng cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc thành một cuộc chiến tiền tệ.

[2] Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn các biện pháp phi thuế quan như kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng công nghệ cao từ Trung Quốc và kiểm tra chặt chẽ hơn về đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ tại Hoa Kỳ.

[3] Những khác biệt chưa được giải quyết liên quan đến việc ứng xử của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài về các vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ (IP), chuyển giao công nghệ bắt buộc và tiếp cận thị trường.

- Và vẫn là một câu hỏi cũ: Việt Nam nên làm gì?

Việt Nam đang nổi lên như là một quốc gia được hưởng lợi rất lớn từ xu hướng dịch chuyển thương mại và đầu tư. Tăng trưởng xuất khẩu tích cực của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2019 (+7,6% trong tháng 7, 8/2019; + 9,2% trong Quý II/2019) là đáng chú ý vì trái ngược với sự sụt giảm được thấy ở các nước còn lại của châu Á như Singapore (-16,4% trong Q2/2019), Thái Lan (-1,8%), Malaysia (-4,6%), Hàn Quốc (-8,6%) và Đài Loan (-2,2%).

Điều này được hỗ trợ chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng Mỹ đang áp thuế quan vào Trung Quốc.

Chúng tôi thấy rằng Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển hướng thương mại do Mỹ thực hiện áp thuế quan cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa thể hiện được lợi thế này từ việc nhập khẩu thay thế đối với hàng hóa của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế cao.

Hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng + 30,8% trong 6 tháng năm 2019, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc đã giảm -7,7% trong 6 tháng năm 2019.

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đầu tư do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khi các công ty đang tái định vị lại chiến lược chuỗi cung ứng và đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc.

Dòng vốn FDI (dựa trên dữ liệu từ Balance of Payments) tăng + 6,8% trong nửa đầu năm 2019, sau khi tăng + 10% trong năm 2018. Tổng số đăng ký FDI trong tám tháng đầu năm 2019 giảm -7,1% chủ yếu do hiệu ứng cơ sở cao.

Việt Nam đã chứng kiến mức đăng ký FDI cao kỷ lục trong lịch sử vào tháng 6/2018, tập trung vào một số dự án quy mô rất lớn. Nếu không tính các dự án này, tổng vốn FDI đã đăng ký được ước tính tăng + 19% trong 8 tháng của năm 2019. Chúng tôi hy vọng FDI vào Việt Nam sẽ vẫn mạnh và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2019-2020.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!

Kỳ II: Hàng Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc liệu có bị áp thuế?

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/du-bao-thuong-chien-my-trung-viet-nam-tan-dung-duoc-gi-157599.html