Dự báo thời tiết: Mưa bão dồn dập khắp miền Bắc, phòng lũ quét miền núi

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới với áp thấp nhiệt đới nên trong hôm nay, ở Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trên biển hiện nay hình thái thời tiết rất nguy hiểm. Vùng áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc bộ đã ở gần bờ, có thể đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh vào hôm nay, 17-7.

Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác lại vừa hình thành ở sát đảo Luzon – Philippines, rất gần Biển Đông, có thể mạnh lên thành bão và tiếp tục hướng thẳng về phía các tỉnh Bắc bộ - Bắc Trung bộ, sau khi đi vào Biển Đông trong vài ngày tới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn đối phó với mưa, bão phức tạp vào chiều 16-7

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới với áp thấp nhiệt đới nên trong hôm nay, ở Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to.

Trong ngày và đêm 18-7, khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và khu vực Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) sẽ có mưa to đến rất to trở lại; sau đó vùng mưa to có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc bộ trong ngày 19-20/7.

Tại khu vực Hà Nội, từ nay đến ngày 19-7, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Trong cơn giông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều ngày qua, trên thế giới cũng xảy ra mưa lũ rất nguy hiểm. Tại Trung Quốc, mưa lũ diễn ra trên diện rộng chưa từng gặp.

Ngay cả Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm ứng phó thiên tai nhưng cũng vừa chịu thiệt hại nặng nề. Cụ thể, từ ngày 6 đến 12-7, tại Nhật Bản, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền Tây làm trên 200 người chết, 30 mất tích. Còn tại Trung Quốc, lũ lụt xuất hiện trên 241 sông tại 16 tỉnh làm hàng chục người thiệt mạng, ảnh hưởng hơn 1 triệu người, gây thiệt hại kinh tế ước tính 3,87 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hai hình thái thời tiết trên biển hiện rất phức tạp, đe dọa các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Vì vậy đề nghị: Cơ quan khí tượng phải dự báo sát tình hình thực tế và “có thêm cả kịch bản dự báo sai để có tình huống xử lý”.

Tổng cục Phòng chống thiên tai phải đề phòng kịch bản cho những tình huống xấu nhất như mất điện trên diện rộng thì làm thế nào. Kiểm tra, rà soát phương án phân lũ nếu mưa lũ lớn.

Đặc biệt, yêu cầu thủy điện Sơn La phải chạy tối đa 6 tổ máy còn thủy điện Hòa Bình chạy 8 tổ máy, không nghỉ, ưu tiên số một là phát tải để tạo dung tích cắt lũ cho hạ du một cách chủ động.

Chỉ đạo đối phó với diễn biến mưa, bão phức tạp hiện nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Trước mắt cần triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân và tài sản, các công trình sản xuất - dịch vụ, cơ sở hạ tầng, bảo vệ nhà ở của người dân, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các phương tiện trên biển, khẩn trương di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Theo Phó Thủ tướng, đang vào tâm điểm của mùa mưa, theo dự báo thì từ nay tới cuối năm sẽ có tới 8-10 cơn bão nữa, mưa lũ sẽ tập trung trong tháng 7 và 8 có thể gây ra lũ lớn. Vì vậy, bên cạnh tập trung khắc phục thiệt hại từ các sự cố mưa lũ vừa xảy ra, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra lại toàn bộ hệ thống công trình phòng chống mưa bão lũ, hồ đập và các phương án sơ tán dân khi có sự cố xảy ra. Các địa phương và các bộ có liên quan lên “kịch bản” ứng phó với các sự cố nếu xảy ra thì xử lý như thế nào.

Hạ Quỳnh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/du-bao-thoi-tiet-mua-bao-don-dap-khap-mien-bac-phong-lu-quet-mien-nui/775116.antd