Dự báo tăng trưởng kinh tế của Campuchia sẽ tăng lên mức 5,4% vào năm tới

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) mới đây đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Campuchia tương tự với Báo cáo Cập nhật triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước đó.

Trong bài viết ngày 27-9 trên trang tin Khmer Times đã trích dẫn dự báo của AMRO về mức tăng trưởng kinh tế Campuchia trong năm nay sẽ là -4,5% và sẽ tăng lên mức 5,4% vào năm tới, dự báo này thấp hơn không đáng kể so với dự báo trước đó của ADB là 5,5%.

Cũng theo nhận định của AMRO, tình hình kinh tế của Campuchia vào năm 2020 sẽ khởi sắc hơn so với một số quốc gia khác, bao gồm Malaysia với -5,5%, Singapore -6,0%, Philippines -7,6% và Thái Lan -7,8% ...

Trước đó, ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu ADO của ADB dự báo, tổng sản phẩm quốc nội của Campuchia năm 2020 sẽ giảm 4,0% so với dự báo hồi tháng 6 là giảm 5,5%. “Đại dịch bệnh Covid-19 là một thách thức toàn cầu chưa từng có, nhưng thật may mắn khi Campuchia đã có sự phòng bị trước và tránh được cuộc khủng hoảng về y tế, sức khỏe người dân. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021 nhờ các chính sách trợ giúp của chính phủ hỗ trợ xã hội cho người nghèo và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những biện pháp này cùng với những cải cách cơ cấu rất cần thiết, sẽ làm giảm thiểu tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch bệnh Covid-19 đối với người dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp nền kinh tế Campuchia trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau đại dịch”, Giám đốc Quốc gia ADB phụ trách Campuchia Sunniya Durrani-Jamal nhận định.

 Kinh tế Campuchia có bước phát triển ấn tượng trong những năm qua: Ảnh: Khmer Times

Kinh tế Campuchia có bước phát triển ấn tượng trong những năm qua: Ảnh: Khmer Times

Covid-19 đã khiến các đơn đặt hàng từ châu Âu và Bắc Mỹ giảm mạnh dẫn đến việc 1/3 số nhà máy may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch của Campuchia phải đóng cửa chỉ trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, việc sản xuất xe đạp và đồ điện tử gia tăng đã thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng hóa ngoài sản phẩm may mặc của Campuchia tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2020. Tổng sản lượng công nghiệp dự kiến tăng 5,1% vào năm 2020 nếu xuất khẩu hàng may mặc, sản phẩm du lịch và giày dép tiếp tục phục hồi. Dịch bệnh Covid-19 cũng gây ra tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực du lịch của Campuchia. Dự kiến ngành du lịch Campuchia sẽ dần mở cửa đón khách trở lại vào nửa cuối năm 2020, nhưng các dịch vụ được dự báo sẽ giảm 15,1% trong năm nay. Lượng khách quốc tế đã giảm 98,1% so với cùng kỳ năm ngoái, buộc 3.000 doanh nghiệp phải đóng cửa khiến 45.000 người lao động mất việc làm.

Rủi ro vẫn hiện hữu, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề vẫn chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, có thể kể đến như ngành công nghiệp may mặc và xây dựng vẫn tiếp tục suy giảm; ngành nông nghiệp vẫn khó khăn khi sản lượng vụ mùa sau thu hoạch không cao do lượng mưa trong tháng 6 và tháng 7 thấp; nhu cầu của người tiêu dùng có thể tiếp tục suy giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hiện tại, ADB cũng đang hỗ trợ tích cực Chính phủ Campuchia ứng phó với đại dịch, ADB đã cung cấp khoản tài chính ưu đãi trị giá 250 triệu USD để củng cố hệ thống y tế, mở rộng phạm vi bảo trợ xã hội và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo chiến lược đối tác quốc gia 2019–2023 của ADB, ADB sẽ cung cấp 1,45 tỷ USD vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho Campuchia nhằm hỗ trợ nền nông nghiệp và công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; cải thiện điều kiện sống của người dân cả ở thành thị và nông thôn; cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng tái tạo; hỗ trợ giáo dục và phát triển kỹ năng.

Những sáng kiến này nhằm mục đích gia tăng khả năng tiếp cận của người dân Campuchia với các dịch vụ công và cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Campuchia.

ĐOÀN TRUNG (tổng hợp từ Khmer Times)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/du-bao-tang-truong-kinh-te-cua-campuchia-se-tang-len-muc-5-4-vao-nam-toi-636291