Dự báo nóng 50 năm nữa lỗ thủng tầng Ozone sẽ đóng lại

Mới đây, Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã phát hiện ra rằng nồng độ các hóa chất độc hại gây hại cho tầng ozone đã giảm xuống điều đó có nghĩa rằng trong tương lai tầng Ozone có thể sẽ đóng lại.

 Tầng ozone của Trái đất bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta khỏi bức xạ có hại của mặt trời. Bức xạ cực tím có hại có thể gây ung thư da và gây bệnh đục thủy tinh thể, ức chế hệ thống miễn dịch ở người.

Tầng ozone của Trái đất bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta khỏi bức xạ có hại của mặt trời. Bức xạ cực tím có hại có thể gây ung thư da và gây bệnh đục thủy tinh thể, ức chế hệ thống miễn dịch ở người.

Vào cuối thế kỷ 20, việc con người thải ra một số hóa chất gây hại nhất định bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng phân tử ozone trong khí quyển. Điều này đã dẫn đến một lỗ hổng mở ra trên Nam Cực hàng năm do các quá trình khí tượng và hóa học phức tạp gây ra.

Vào đầu năm 2022, các nhà khoa học của NOAA phát hiện ra rằng nồng độ các hóa chất độc hại đã giảm hơn 50% ở tầng giữa của tầng bình lưu so với những năm 1980. Các nhà khoa học tại NOAA cho biết, đây là một "cột mốc quan trọng" trên con đường phục hồi tầng ozone.

Tuy nhiên, sự phục hồi của tầng ozone không phải là một "kết quả cuối cùng", vì nồng độ trong khí quyển của các hóa chất gây hại này cần tiếp tục giảm.

Nồng độ của những hóa chất này trên Nam Cực, nơi xuất hiện một lỗ thủng hàng năm, cũng đang giảm xuống nhưng với tốc độ chậm hơn.

Lỗ thủng này lớn hơn bình thường, lớn hơn kích thước của chính Nam Cực, vào năm 2021. NOAA dự đoán rằng tầng ozone ở Nam Cực cuối cùng có thể phục hồi "vào khoảng năm 2070", có nghĩa là khả năng có thể 50 năm nữa, lỗ thủng tầng Ozone sẽ được đóng lại.

Lỗ thủng tầng ozone thường bắt đầu hình thành vào mùa xuân ở Nam bán cầu, từ tháng 8 đến tháng 10, đạt đến kích thước tối đa trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến tháng 10, sau đó trở lại bình thường vào cuối tháng 12.

Năm nay, các nhà khoa học CAMS (Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus) đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của lỗ thủng kể từ cuối tháng 8 bằng cách sử dụng mô hình ba chiều.

"Theo dữ liệu của chúng tôi từ đầu tháng 9, kích thước của lỗ thủng ozone nằm trong phạm vi trung bình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ trong vài tuần tới vì các lỗ thủng tầng ozone trong năm 2020 và 2021 chỉ bắt đầu trở nên đặc biệt sau này". Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Copernicus cho biết.

Trước đó, vào cuối năm 2021, theo Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF), một lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đóng lại là lỗ thủng lớn thứ 13 kể từ năm 1979, rộng khoảng 14 triệu cây số vuông.

Các chuyên gia cho biết ở mức tối đa, lỗ thủng có thể phát triển lớn bằng kích thước cả Nam Cực và châu Âu cộng lại.

Nam bán cầu đã trải qua một mùa đông lạnh giá bất thường, với Nam Cực có nhiệt độ trung bình kỷ lục âm 61 độ C từ tháng 4 đến tháng 9 và gió mạnh dai dẳng ở tầng bình lưu, dẫn đến lỗ thủng tầng ozone sâu và lớn hơn mức trung bình.

Xem thêm video: Trung Quốc phát trực tuyến lớp học đầu tiên từ vũ trụ (Nguồn: VTV24).

Thiên Trang (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/du-bao-nong-50-nam-nua-lo-thung-tang-ozone-se-dong-lai-1762142.html