Dự báo ngành bia Việt năm 2019: Bia nội tăng tốc trên trường đua

Đứng đầu Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á – là xếp hạng của Việt nam về sản lượng tiêu thụ bia, qua đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam trên bản đồ thế giới. Với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngoại, các doanh nghiệp bia nội sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để bứt tốc trên trường đua.

Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 khép lại với tốc độ GDP tăng trưởng ở mức 7,1%, với sự đóng góp của ngành dịch vụ bán buôn bán lẻ chiếm đến 3%. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG – một thành phần quan trọng của ngành dịch vụ, bắt đầu có dấu hiệu hồi phục được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành hàng và tăng trưởng ở mức 3,3% so với năm 2017.

Đóng góp của các mặt hàng trong ngành hàng FMCG (Theo số liệu của Nielsen tháng 1/2019)

Đóng góp của các mặt hàng trong ngành hàng FMCG (Theo số liệu của Nielsen tháng 1/2019)

Năm 2018, bia tiếp tục là mặt hàng dẫn đầu ngành FMCG, có thể nói Việt Nam là một trong những thị trường bia sôi động nhất thế giới với tổng sản lượng tiêu thụ bia hơn 4,67 tỷ lít, tốc độ tăng trưởng đạt 7% so với cùng kỳ. Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành sẽ đạt từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, đến 2035 sản xuất 5,5 tỷ lít bia.

Giới phân tích cho rằng, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Thị trường lớn và ngày càng mở rộng, bia và đồ uống có cồn cũng được xem là thị trường chậm bão hòa so với nhiều ngành kinh doanh khác. Điều này đã thu hút hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước muốn có phần tại thị trường giàu tiềm năng này.

Để tiếp tục giữ vững được vị thế “anh cả” của ngành bia nội, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) đã có những chiến lược phát triển dài hạn trong thời kỳ mới đầy thách thức.

Đột phá từ thị trường

“Đối thủ của HABECO là những hãng bia ngoại lớn, có chiến lược lâu dài, cạnh tranh rất quyết liệt và chấp nhận bỏ ra chi phí lớn để giành giật thị trường. Trong khi đó, HABECO cần phải đảm bảo chỉ tiêu với Nhà nước về lợi nhuận, sản lượng bởi Nhà nước hiện đang nắm giữ 81,18% vốn điều lệ tại HABECO.” – ông Trần Đình Thanh – Chủ tịch HABECO cho biết. Thay đổi chính mình để “nhập cuộc” là chiến lược mà HABECO đã lựa chọn trong cuộc đua với các ông lớn bia ngoại.

HABECO đã có những chiến lược phát triển dài hạn trong thời kỳ mới đầy thách thức.

Xét về thị phần theo sản lượng hiện nay, HABECO đứng trong top 3 trên thị trường. Những điểm mạnh của Bia Hà Nội như dung tích lớn, giá bình dân, thương hiệu truyền thống… dường như chưa đủ hấp dẫn những đối tượng trẻ ở khu vực thành thị, sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn cho những sản phẩm có phong cách hiện đại, trẻ trung, năng động. Bắt tay với Dentsu, một trong những hãng tư vấn truyền thông thương hiệu hàng đầu thế giới, HABECO hướng tới xây dựng chiến lược tái định vị thương hiệu trung hạn. Qua đó tạo dựng một hình ảnh thương hiệu mới hiện đại, mới mẻ, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Mục tiêu chính của HABECO trong năm 2019 của HABECO là duy trì thị phần hiện tại và giành giật lại những thị phần đã rơi vào tay đối thủ. Để đạt được điều này, các công tác củng cố, kiện toàn hệ thống phân phối bán hàng sẽ tiếp tục được kiện toàn, huy động sự nỗ lực của các công ty thương mại, công ty tham gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực của khối bán hàng, mở rộng thị trường của Bia Hà Nội.

Sức mạnh từ nội lực

HABECO có lịch sử lâu năm nên kinh nghiệm, trình độ là những thế mạnh. Có những gia đình tới hai, ba thế hệ làm việc và gắn bó tại HABECO. Với truyền thống này, người lao động của HABECO đều rất tâm huyết với doanh nghiệp.

Dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành của Việt Nam sẽ đạt từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, đến 2035 sản xuất 5,5 tỷ lít bia.

“Người lao động đều hiểu doanh nghiệp hiện tại đang trong giai đoạn hội nhập và gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã đề ra những mục tiêu rõ ràng, minh bạch, động viên cán bộ nhân viên cùng đoàn kết để tạo thành sức mạnh”. – ông Trần Đình Thanh cho biết.

Năm 2019, HABECO sẽ quyết liệt trong công tác cải tổ hệ thống bán hàng, chuyển lực lượng gián tiếp trong văn phòng ra hoạt động tại thị trường, lựa chọn những nhân sự có chất lượng đảm nhận công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng, linh hoạt hơn trong việc thay đổi các vị trí quản lý chuyên trách thay vì bổ nhiệm có thời hạn. Công tác đào tạo cán bộ sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh, đào tạo những cán bộ thị trường có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với công việc để phụ trách tại các thị trường trọng điểm, duy trì mối quan hệ với các khách hàng là đại lý, nhà hàng.

Những bước đi chiến lược đánh dấu sự trưởng thành của HABECO – doanh nghiệp bia nội hàng đầu Việt Nam mạnh mẽ bước vào sân chơi đẳng cấp, chuyên nghiệp trong giai đoạn hội nhập cạnh tranh. Tận dụng truyền thống sẵn có và lợi thế là doanh nghiệp nhà nước vẫn được HABECO chú tâm trong quan hệ với các địa phương bên cạnh những chuyển động như làm mới sản phẩm, cải thiện hệ thống phân phối theo hướng linh hoạt và năng động hơn, có nhiều các chương trình quảng bá nhằm tới khách hàng trẻ hơn, cho thấy HABECO đã sẵn sàng đương đầu với các đối thủ ngoại trong thời gian tới, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh cùng những cam kết hướng đến cộng đồng, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước.

Có thể bạn quan tâm

Theo dantri.com.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/du-bao-nganh-bia-viet-nam-2019-bia-noi-tang-toc-tren-truong-dua/20190305120829509