Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm đạt 1,5 tỷ USD

Cơ cấu thị trường xuất khẩu thay đổi khi Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vượt lên đứng đầu chiếm hơn 33%, tiếp theo là các thị trường Mỹ chiếm 16,6%, ASEAN gần 10%, EU hơn 9%...

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu thay đổi khi Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vượt lên đứng đầu chiếm hơn 33%, tiếp theo là các thị trường Mỹ chiếm 16,6%, ASEAN gần 10%, EU hơn 9%...

Mặc dù xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có mặt ở khắp các thị trường thế giới, nhưng trong 10 năm trở lại đây xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu cá tra của Việt Nam rồi lại xuất bán sang Nga và châu Âu.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, chia sẻ chúng ta đang bỏ một mặt trận xuất khẩu tốt, chọn mặt trận xuất khẩu thiếu bền vững. Thị trường thiếu bền vững khiến doanh nghiệp xuất khẩu không an tâm. Nếu chúng ta thiết lập thị trường tốt bằng cách xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia cá tra, xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp, cấu trúc lại quy trình sản xuất canh tác, chế biến, cá tra sẽ xuất thẳng vào thị trường tiềm năng mà không cần qua trung gian.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho rằng ngành hàng cá tra đang có ba lợi thế gồm thị trường ngày càng mở rộng do xu hướng sử dụng thực phẩm trong và ngoài nước đang chuyển dịch từ thịt sang cá.

Trên 20 năm nuôi trồng, sản xuất cá giống, trình độ công nghệ chế biến cá tra phát triển mạnh nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, nông dân đã làm chủ kỹ thuật nuôi nên không lo lắng vấn đề này ngay cả khi Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh cũng ồ ạt nuôi cá tra.

“An Giang đã tổ chức các đoàn đi sang các nước nuôi cá tra để đánh giá năng lực cạnh tranh đối với cá tra Đồng bằng sông Cửu Long. So với Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh… chúng ta đang hơn họ 1,5 lần; cùng lắm diện tích nuôi cá tra của họ chỉ đáp ứng một phần tiêu thụ nội địa, nếu tham gia vào xuất khẩu cá tra, Việt Nam hơn họ rất nhiều từ chất lượng đến số lượng," ông Thư khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng cho rằng có hai trở ngại cho cá tra Việt Nam khi mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến có thời điểm chia sẽ lợi nhuận giữa doanh nghiệp cho nông dân chưa tốt. Có thời điểm nông dân chưa tạo niềm tin về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết, cung cấp đủ hàng hóa cho doanh nghiệp chế biến.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngành nuôi cá tra cũng đang đối mặt với khó khăn do chất lượng giống ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh dịch, khi nguồn nước các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp thấp, các tỉnh giáp biển bị xâm nhập mặn.

Các rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn; những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, hay các quy định mới của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (Hiệp định EVFTA) của thị trường EU.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam; trong đó có ngành hàng cá tra mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan chưa có FTA (hiệp định thương mại tự do) với các đối tác khi cá tra thuế giảm 0% sau ba năm.

“Tại thị trường nội địa, cá tra bắt đầu tiêu thụ ở các chợ đầu mối, bán lẻ. Doanh nghiệp cũng phát triển sản phẩm chế biến và món ăn ngon từ con cá tra đưa vào hệ thống kinh doanh siêu thị và bếp ăn tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm cá tra tươi sống, cá tra phi lê đông lạnh và chả cá tra, phát triển thêm các loại khô cá tra, mắm cá tra, các sản phẩm thịt và da cá tra sấy ăn liền...," ông Dũng cho biết.

Nông dân ở Đồng Tháp nuôi cá tra. (Ảnh: TTXVN)

Để phát triển tính bền vững của ngành cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các điều kiện trong nuôi và chế biến sản phẩm cá tra theo Nghị định số 55/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất cá giống, nuôi trồng và thức ăn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế; củng cố hình ảnh, kênh bán hàng mới và xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho cá tra Việt Nam.

Để cá tra xuất khẩu vào thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ, Trung Đông…, An Giang đã hình thành vùng chuyên canh 600ha sử dụng công nghệ cao và đang triển khai thêm ba vùng chuyên canh khác.

Tại các vùng chuyên canh An Giang hỗ trợ cho doanh nghiệp hạ tầng xử lý nước thải, xử lý nước cấp đầu vào; xây dựng mã vùng, mã code, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá tra xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Đề án cá tra ba cấp sau hai năm triển khai tại An Giang và Đồng Tháp đến nay đạt 50% kế hoạch đề ra và sẽ cung ứng đầy đủ khoảng 4 tỷ con giống cho nhu cầu về phát triển cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm năm tới…

Dịch COVID-19 tác động đến sản xuất, xuất khẩu chuỗi ngành hàng cá tra khi kim ngạch xuất khẩu giảm ở tất cả thị trường lớn, chỉ đạt khoảng hơn 1 tỷ USD trong chín tháng năm 2020.

Đến cuối tháng 10/2020, Đồng bằng sông Cửu Long thả trên 1,5 tỷ con cá tra giống. Giá cá tra nguyên liệu chín tháng năm 2020 giảm mạnh còn khoảng 17.000-18.000 đồng/kg, nhưng đến đầu tháng 10 giá cá tăng lên khoảng 20.000-23.000 đồng/kg./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/du-bao-kim-ngach-xuat-khau-ca-tra-trong-nam-dat-15-ty-usd/676306.vnp