Dự báo giá đường sẽ tăng tích cực trong niên vụ 2019-2020

Thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực.

Đây là nhận định của các chuyên gia ngành đường đến từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4, được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 17/6.

Nhiều thách thức đặt ra cho ngành mía đường

Đại diện Việt Nam, ông Lê Xuân Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, dù doanh nghiệp và người nông dân trồng mía đã dốc sức để nâng cao năng lực cạnh tranh, song, với xu hướng bảo hộ và trợ giá cho ngành mía đường của các quốc gia khác, ngành mía đường Việt Nam vốn đối mặt nhiều thách thức sẽ càng thêm khó khăn sau khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Đại diện ngành mía đường Thái Lan, ông Pramode Vidtayasuk, Chủ tịch của Thai Sugar Millers Corporation Limited (TSMC) dự báo niên vụ mía đường 2019 - 2020, ngành mía đường Thái Lan đạt khoảng 119 triệu tấn mía, tăng 3%; sản lượng đường đạt khoảng 13 triệu tấn, giảm so với niên vụ 2018 - 2019 (đạt khoảng 14 triệu tấn) do ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, El Nino. Đường trắng và đường tinh luyện xuất khẩu của Thái Lan đã giảm 20% sản lượng. Năm 2018-2019, Thái Lan có 56 nhà máy nghiền nhưng năm 2019-2020 Thái Lan sẽ có 57 nhà máy vận hành, sản lượng nghiền khi đó sẽ tăng lên rất nhiều.

Về giá mía tại Thái Lan, niên vụ 2018 - 2019 là 800 bath/tấn, niên vụ 2019 - 2020 dự báo giảm khoảng 700 bath/tấn do niên vụ 2018 – 2019 nông dân trồng mía ở Thái Lan có hỗ trợ giá từ Chính phủ, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách hỗ trợ giá này có tiếp tục kéo dài cho niên vụ 2019 – 2020.

Trước mắt, ngành mía đường Thái Lan phải tập trung vào việc giảm lượng mía đốt trong mùa thu hoạch, từ 61% ở niên vụ 2018 - 2019 xuống còn 30% trong niên vụ 2019 -2020, và 2 niên vụ tiếp theo phải giảm xuống tỷ lệ 20% - 10%. Thái Lan cũng đang xem xét tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây từ ngày 1/7/2019. Mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm nước giải khát có chứa nhiều hơn 5 gram đường (hoặc chất làm ngọt có nguồn gốc từ đường) trên mỗi 100ml. Đối với nước trái cây và nước ép rau quả, mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm có chứa nhiều hơn 12 gram đường/100ml.

Cơ hội cho các nhà sản xuất mía đường

Các diễn giả cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đều công nhận điện sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác. Các cường quốc mía đường như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đều đã có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà máy đường bán điện ra lưới điện quốc gia.

Chẳng hạn ở Thái Lan, trong 56 nhà máy đường đang hoạt động có 83 dự án xây dựng nhà máy điện đồng phát độc lập thuộc sở hữu của các nhà máy đường. Hiện, các dự án điện đồng phát đã sản xuất được 2.000 MW, trong đó có 800 MW được bán lên lưới điện quốc gia với giá 2,5 bath/kwh.

Không chỉ có cơ hội sản xuất điện từ bả mía, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt trong niên vụ 2019 - 2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực. Đây sẽ là cơ hội của các công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường, trong đó có TTC Sugar, đơn vị đang sở hữu thị phần khá lớn trong nước mở rộng thị phần ra quốc tế.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cho biết, một số nhà máy tại Việt Nam và Lào của TTC đang đẩy mạnh việc sản xuất đường organic. TTC Sugar có chiến lược chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia nhằm làm bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á và thoát khỏi “vũng lầy” thiếu nguyên liệu tại Việt Nam.

Trước đó, Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á (Asean Sugar Allinace - ASA) được biết đến là một liên minh được thành lập từ năm 2016 với sự khởi xướng của đại diện ngành công nghiệp mía đường Thái Lan và các thành viên còn lại là đại diện ngành công nghiệp mía đường của các nước Asean khác như Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Mục tiêu của ASA là góp phần thúc đẩy hợp tác trong kinh doanh, thương mại và đầu tư, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về đường ngày càng gia tăng trong khu vực

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/hang-hoa/du-bao-gia-duong-se-tang-tich-cuc-trong-nien-vu-2019-2020-3510648.html