Dự báo GDP đạt mức 7% năm 2019: Nhiều tín hiệu lạc quan

Trong 8 tháng năm 2019, nước ta có 116.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại hoạt động, mô hình vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,7 tỉ đồng mức cao nhất trong những năm gần đây… cho thấy bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều dự báo lạc quan.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 8 tháng năm 2019, tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 116.000 DN, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số DN thành lập mới tăng 3,5% và số DN quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.

Đáng chú ý, quy mô vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 8 tháng tăng mạnh, đạt 12,7 tỉ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Chỉ riêng trong tháng 8/2019, cả nước có 11.177 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,3 nghìn tỉ đồng, tăng 8,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một DN đạt 13,5 tỉ đồng, tăng 20,1%.

Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 90.500 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.150,7 nghìn tỉ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 12,7 tỉ đồng, tăng 26,6%. Nếu tính cả 1.603,7 nghìn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2019 là 2.754,4 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có 25.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên gần 116.000 DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 8 tháng năm nay là 832.300 người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 8,02%; thặng dư thương mại dự báo ở mức 0,8 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2019 ở mức 3,38%.

 Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để đảm bảo tăng trưởng kinh tế như dự báo, trước tiên, các cơ quan chức năng phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô; đồng thời, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Cùng với đó, các ngành phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các lĩnh vực; trong đó, đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đặt vấn đề: Động lực tăng trưởng của Việt Nam kể từ nay trở đi là gì? Ông Cung lý giải, trong bối cảnh này cần phải cải cách, tái cơ cấu để chuyển đổi, nâng cao tăng trưởng. "Hội nhập, thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để tăng trưởng, phát triển kinh tế, nhưng nội lực trong nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp phải được nâng cao, đó mới là tăng trưởng lâu bền.", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, để giữ mức tăng trưởng từ 6,8 - 7% năm 2019, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo...

Thanh Minh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/du-bao-gdp-dat-muc-7-nam-2019-nhieu-tin-hieu-lac-quan-d163040.html