Dự báo chính xác để kịp thời phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai

Trong những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu, thủy văn ở Việt Nam, gây ra những diễn biến bất thường, một số quy luật khí tượng thủy văn có sự thay đổi.

Điều này đòi hỏi các bản tin dự báo khí tượng - thủy văn phải chi tiết hơn, có độ chính xác cao hơn. Phong trào thi đua “Theo dõi, dự báo, cảnh báo kịp thời về tình hình khí tượng - thủy văn. Phát hiện và đưa tin cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng khí tượng - thủy văn nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng” đã được phát động tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đến 9 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, 54 Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh.

Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ kiểm tra hộp số tự động. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong những năm vừa qua hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương được tổ chức theo 3 cấp dự báo, công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không ngừng được đổi mới, phát triển. Công nghệ dự báo số đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng nghiệp vụ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và một số Đài Khí tượng Thủy văn khu vực. Một số mô hình khu vực phân giải cao như mô hình HRM của Đức, WRF của Mỹ, ECMWF của châu Âu… cùng với các hệ thống dự báo tổ hợp hạn ngắn và hạn vừa đã và đang được vận hành hiệu quả tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo khí tượng thủy văn đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo khí tượng thủy văn biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Nhờ ứng dụng những công nghệ nêu trên mà Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã cải tiến, thay đổi, điều chỉnh cả trong hình thức và nội dung các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng rõ hơn, chi tiết hơn về ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cụ thể như: bản đồ dự báo bão dễ tham khảo hơn; đã nhận định rõ hơn về diễn biến mưa, vùng và thời gian có gió mạnh, sóng lớn; khu vực các huyện miền núi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; các bản tin dự báo bão, lũ được phát sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ so với trước đây và chuyển ngay đến các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh để kịp thời phục vụ địa phương.

Đồng thời, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa thông tin dự báo khí tượng thủy văn lên các trang mạng của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương, địa phương và các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp để góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai đã được đưa vào bản tin qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro. Các nội dung này đã cập nhật, bổ sung kịp thời, đầy đủ nên được các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Việc ứng dụng công nghệ mới trong dự báo báo khí tượng thủy văn đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 – 72 giờ các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tiêu biểu là đã dự báo khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình, cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh, cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh... Đó là những cơn bão mạnh nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (có 2 cơn bão ở mức siêu bão) có những diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ. Tuy nhiên, nhờ dự báo đúng thời gian và nơi bão đổ bộ đã góp phần làm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Đặc biệt trong năm 2010, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã hoàn thành nhiệm vụ dự báo diễn biến thời tiết tại khu vực Hà Nội, phục vụ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận và báo chí đánh giá cao, được bình chọn là một trong 15 sự kiện tiêu biểu của ngành tài nguyên và môi trường; dự báo phục vụ Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021; cầu truyền hình trực tiếp 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa điểm trên toàn quốc…

“Năm 2018, cùng với sự chủ động phòng, chống của các cấp chính quyền, nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành khí tượng thủy văn đã góp phần làm giảm được khoảng 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2017 tương ứng với 40.000 tỷ đồng (nguồn số liệu từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Năm 2019, thiệt hại do thiên tai gây ra đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, nhất là dự báo sớm về hạn hán, xâm nhập mặn”- ông Cường khẳng định.

Dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế

Các Quan trắc viên tại Trạm khí tượng thủy văn Yên Thượng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thực hiện quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trên sông Lam. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia luôn chủ động ban hành bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn ngày một nâng cao, nhiều tiến bộ khoa học, trang thiết bị, công nghệ mới đã được triển khai ứng dụng có hiệu quả vào công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; chú trọng đến đầu tư phát triển công nghệ phục vụ dự báo điểm chi tiết cho khoảng 600 điểm trên toàn quốc.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn ngành khí tượng thủy văn mà nòng cốt là hơn 500 dự báo viên từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đến các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, bám sát tình hình khí tượng thủy văn trên toàn quốc, dự báo sát với thực tế và kịp thời các bản tin hàng ngày, nhất là các bản tin về thời tiết nguy hiểm phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã theo dõi và dự báo chính xác, kịp thời 272 đợt không khí lạnh. Tiêu biểu là đợt không khí lạnh xảy ra vào những ngày giữa tháng 12/2013 đã gây mưa lớn trái mùa ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau đó, đợt không khí lạnh này gây rét đậm, rét hại kéo dài trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và gây ra mưa tuyết có độ che phủ lớn hiếm thấy trên diện rộng, tại Sapa tuyết phủ dầy 30-50cm. Đợt rét hại xuất hiện trên khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 23-28/1/2016, nhiều nơi đã ghi nhận được nhiệt độ thấp nhất xuống dưới mức lịch sử trong hơn 40 năm qua như Mẫu Sơn -4,0 độ C, Sa Pa -3,1 độ C,... Mưa tuyết, băng giá cũng đã xảy ra diện rộng trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã theo dõi và dự báo kịp thời 43 áp thấp nhiệt đới (6 cơn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta); 90 cơn bão (44 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta), trong đó có một số cơn bão đặc biệt lớn và hướng di chuyển phức tạp, như: Bão Sơn Tinh (bão số 8/2012), bão số 10 (Doksuri/2017) cơn bão số 12 (Damrey/2017);126 trận lũ; 170 đợt nắng nóng; 228 đợt mưa lớn diện rộng trên phạm vi cả nước...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã tổ chức thực hiện theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện, xây dựng các công trình thủy điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân hàng năm. Trung tâm cũng theo dõi chặt chẽ và xây dựng báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình khô hạn, thiếu nước để Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Tổ điều hành công tác chỉ đạo phòng, chống hạn hàng năm.

Trung tâm còn triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ trọng điểm về dự báo, như: dự án:“Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia” đã đầu tư xây dựng mới, đồng bộ 5 trạm ra đa thời tiết; nâng cấp 3 trạm ra đa thời tiết hiện có; đầu tư mới 18 trạm phát hiện dông sét tại 18 Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; dự án “Tăng cường năng lực đối phó thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra”, dự án “Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc”; dự án “Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm” thuộc dự án “Quản lý rủi ro thiên tai”, dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý lưu vực sông; dự án "Thiết lập hệ thống giám sát và phân tích thiên tai quốc gia nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam"...

Việc thực hiện thành công các dự án nói trên góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/du-bao-chinh-xacde-kip-thoi-phong-chong-giam-nhe-thien-tai-20201002061903273.htm