Dự án xơ sợi 7.000 tỷ đồng lần đầu báo lãi sau thời gian dài 'đắp chiếu'

Dự án xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng, chính thức vận hành thương mại tháng 5/2014 nhưng liên tục thua lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng, khiến nhà máy phải ngừng hoạt động cuối 2015.

Công nhân đang làm việc trong nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Ảnh PVTex

Tin từ CTCP Hóa dầu và Xơ sợ Dầu khí (PVTex) cho biết, từ ngày 20/4 vừa qua, PVTex đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức 3 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi Filament. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm đạt 99,25% chất lượng, đảm bảo yêu cầu của khách hàng.

“Tính đến ngày 20/5, tức là sau đúng 1 tháng vận hành, với giá mua nguyên liệu hiện nay, nhà máy đã có lãi khoảng 170 triệu đồng, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”, bản tin của PVTex nêu.

Hiện PVTex và tổ hợp APH (bao gồm CTCP An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical và Reliance Pte.Ltd) đang tập trung thương thảo, hoàn thiện các nội dung để có thể đi đến ký kết hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh trong tháng 6.

Chủ tịch HĐQT PVTex Đào Văn Ngọc cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều nội dung của dự thảo hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh giữa hai bên đã được chốt, trong đó có điều khoản là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PVTex phải đảm bảo ổn định, an toàn về pháp lý để APH có thể yên tâm, tin tưởng hợp tác và đầu tư vốn khôi phục sản xuất và kinh doanh của toàn bộ nhà máy.

PVTex là nhà máy do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương khoảng 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá đương thời, sau đó điều chỉnh lên thành hơn 359 triệu USD, tương đương khoảng 7.200 tỷ đồng.

Dự án có suất đầu tư lớn, tiến độ thi công chậm đã làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao trong khi đó, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên, cuối cùng PVN lại nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%.

Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ.

Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, nhà máy dừng hoạt động.

Việc tái khởi động nhà máy sau đó đã được đề cập tuy nhiên lại vướng vụ kiện tụng vào tháng 4/2017, PVTex đã bị Tòa án Nhân dân quận Hải An, TP. Hải Phòng xử và ra phán quyết thua kiện trong vụ tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ về việc PVTex chưa chi trả tiền điện, nước và hạ tầng cơ sở. Khi bản án có hiệu lực PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc và lãi 72,9 tỷ đồng và án phí 180 triệu đồng.

Tuy nhiên, PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên dẫn đến chậm thanh toán đối với các nghĩa vụ theo phán quyết của Tòa án, do vậy PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm thu giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/du-an-xo-soi-7000-ty-dong-lan-dau-bao-lai-sau-thoi-gian-dai-dap-chieu-3454945.html