Dự án 'xẻ đồi xây trường' ở TP Điện Biên Phủ: Cty Ánh Tuyết ngang nhiên hủy hoại tài sản công dân?

Kiểm đếm sai, xác định nguồn gốc đất chưa chính xác, có dấu hiệu hủy hoại và chiếm đoạt tài sản của những hộ gia đình nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng chưa nhận tiền đền bù đã khiến dự án 'xẻ đồi xây trường' ở TP Điện Biên Phủ 'đắp chiếu' nhiều năm.

Dự án “xẻ đồi xây trường” chậm tiến độ

Theo tìm hiểu của PV, công trình trường Tiểu học xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ thuộc Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – giai đoạn II (2017-2020) được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt vào cuối tháng 10-2015. Đây là dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).

Công trình trường Tiểu học xã Thanh Minh được giao cho BQLDA Chương trình đô thị miền núi phía Bắc TP Điện Biên Phủ (BQLDA WB) làm chủ đầu tư với diện tích thực tế thu hồi đất thực hiện dự án là 10.686,6m2 của 13 hộ gia đình và 1 tổ chức. BQLDA WB giao cho Cty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Ánh Tuyết làm đơn vị thi công với tổng giá trị công trình là hơn 34,5 tỷ đồng.

Dự án này được xây dựng trên một quả đồi ở bản Púng Tôm, xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ. Một số người dân cho rằng, việc “xẻ đồi xây trường” tại vị trí được quy hoạch này là chưa hợp lý vì sẽ phải tốn rất nhiều kinh phí để hạ thấp độ cao của quả đồi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mùa mưa lũ tới, đe dọa sự an toàn của hàng trăm học sinh.

Công trình này được tỉnh Điện Biên và TP Điện Biên Phủ đăng ký với Ngân hàng thế giới khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang phải “đắp chiếu” vì chưa GPMB xong. Nhiều hộ gia đình, cá nhân không nhất trí nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng với lý do UBND TP Điện Biên Phủ xác định sai nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản không chính xác, giá đền bù quá thấp và đề nghị bố trí tái định cư.

Khi người dân chưa đồng thuận…

Như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Quốc Hạnh và bà Phạm Thị Bích Hồng bị thu hồi hơn 3.202m2 nhưng chỉ được bồi thường về đất có hơn 39 triệu đồng, tương đương với hơn 12.000 đồng/m2 đất; gia đình ông Nguyễn Mạnh Ngọc được bồi thường về đất 22,235 triệu cho hơn 1.666m2 đất bị thu hồi. Họ cho rằng, đơn giá bồi thường về đất quá rẻ, thấp hơn tới hàng trăm lần giá đất cùng loại nằm ngoài quy hoạch, không bị thu hồi.

Khi phát hiện cây bị chặt phá, người dân đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng

Khi phát hiện cây bị chặt phá, người dân đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng

Theo tìm hiểu của PV, quả đồi này được người dân khai phá, dựng nhà tạm từ những năm 1980, sau đó có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hàng chục năm trước. Đáng chú ý, tại khu vực này, cùng có nguồn gốc sử dụng đất giống nhau, nhưng UBND TP Điện Biên Phủ lại cấp “sổ đỏ” các các hộ dân với mục đích sử dụng khác nhau. Dẫn đến việc giá bồi thường GPMB khi thực hiện dự án chênh lệch đến cả trăm lần.

Như trường hợp của ông Hạnh và ông Ngọc, năm 2003 nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất ở, đất rừng và hoa màu) có xác nhận, đóng dấu của UBND xã Thanh Minh và nộp thuế hàng năm theo quy định của Nhà nước nhưng chỉ được UBND TP Điện Biên Phủ cấp “sổ đỏ” là đất trồng cây hàng năm và đất rừng. Trong khi đó, hộ ông Vũ Ngọc Sáng được cấp đất ở đô thị, còn hộ bà Nguyễn Thị Thoa được cấp là đất ở nông thôn. Hai hộ dân này được cấp đất tái định cư khi GPMB. Việc giá tiền bồi thường trên cùng một loại đất chênh lệch quá lớn khiến nhiều hộ dân bức xúc, khiếu nại.

Tài sản đã bị hủy hoại

Được biết, trong khi còn tới 9/13 hộ chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, thì ngày 12-7-2017, các phòng ban chức năng của UBND TP Điện Biên Phủ đã vội vàng bàn giao mặt bằng của 4 hộ đã nhận tiền GPMB với tổng diện tích 4.405m2 cho Cty Ánh Tuyết. Ngày 16-7-2017, BQLDA WB cấp lệnh khởi công, cho phép Cty Ánh Tuyết huy động máy móc, thiết bị, nhân lực… và tiến hành vệ sinh mặt bằng thi công xây dựng.

Cty Ánh Tuyết vẫn cố tình thi công

Trong khi phần lớn các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng và đang có khiếu nại về đơn giá bồi thường thì có lẽ, việc vội vàng bàn giao mặt bằng và cấp lệnh khởi công khi chưa có mặt bằng sạch này là một phần nguyên nhân dẫn đến dự án phải “đắp chiếu” đến tận bây giờ? Bởi lẽ:

Kết luận Thanh tra số 982/KL-UBND ngày 4-9-2018 do ông Nguyễn Đức Đuyện, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ký thể hiện, cuối tháng 7-2017, Cty Ánh Tuyết tiến hành phát quang, dọn dẹp mặt bằng tập kết máy móc, dựng lán trại và thực hiện san ủi mặt bằng đã được bàn giao.

Tuy nhiên, do đơn vị thi công không được nhận bàn giao cụ thể, chính xác ranh giới và mốc giới diện tích đất đã được GPMB trên thực địa; quá trình thi công không sâu sát, kiểm tra dẫn đến thi công quá diện tích đất mặt bằng được bàn giao, làm thiệt hại cây cối của các hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến các hộ gia đình đã có phản ứng.

Biên bản xác định mức độ, khối lượng cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng trong quá trình thi công trường Tiểu học xã Thanh Minh thể hiện, trong quá trình Cty Ánh Tuyết phát quang, vệ sinh mặt bằng đã khiến cho gia đình ông Nguyễn Quốc Hạnh bị ảnh hưởng 60%; gia đình ông Nguyễn Mạnh Ngọc bị ảnh hưởng 50%; còn gia đình ông Bùi Văn Sinh bị ảnh hưởng 30% diện tích đất bị thu hồi.

Kết luận Thanh tra chỉ ra sai phạm, yêu cầu xử lý trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ, kiêm Giám đốc BQLDA WB

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Bích Hồng cho hay, ngay sau khi phát hiện Cty Anh Tuyết chặt cây, hủy hoại hoa màu trên phần diện tích đất của các hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng, họ đã yêu cầu Cty Ánh Tuyết giữ nguyên hiện trạng để các cơ quan chức năng giải quyết. Thời điểm này, người dân phát hiện lực lượng chức năng kiểm đếm thiếu số lượng cây cối, hoa màu trên phần diện tích đất bị thu hồi.

“Tuy nhiên, Cty Ánh Tuyết vẫn cố tình không thực hiện, thậm chí còn di chuyển toàn bộ cây cối, hoa màu của chúng tôi đi nơi khác nhằm xóa dấu vết, gây khó khăn cho lực lượng chức năng xác định số lượng tài sản thực tế của chúng tôi bị thiệt hại. Tôi cho rằng, việc Cty Ánh Tuyết chặt cây và mang tài sản của chúng tôi đi nơi khác là hành vi cố ý hủy hoại và chiếm đoạt tài sản, nhằm ép chúng tôi vào tình thế đã rồi chứ không đơn thuần là việc thi công xâm lấn như UBND TP Điện Biên Phủ thường nói”, bà Hồng bức xúc.

Được biết, sau khi tài sản của các hộ gia đình bị Cty Ánh Tuyến hủy hoại và di chuyển đi nơi khác, các đơn vị liên quan của UBND TP Điện Biên Phủ đã tổ chức nhiều buổi “hòa giải”, đồng thời thừa nhận một số sai phạm trong quá trình thực hiện dự án làm ảnh hưởng đến tài sản của công dân. Kết luận Thanh tra số 982/KL-UBND cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm và yêu cầu các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan tự kiểm điểm trách nhiệm.

Song, đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm theo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ mà họ vẫn đổ lỗi cho nhau. Còn một số hộ dân trong diện GPMB vẫn phải cầu cứu tới các cơ quan chức năng ở tỉnh Điện Biên với mong muốn được đánh giá, xem xét lại nguồn gốc sử dụng đất để đưa ra được phương án đên bù, bố trí tái định cư vừa hợp lý lại hợp tình, cũng như số lượng tài sản bị đơn vị thi công hủy hoại và chiếm đoạt.

Sau khi tiếp nhận kiến nghị của các hộ dân nằm trong diện GPMB để thực hiện Dự án Trường Tiểu học xã Thanh Minh, từ năm 2017 đến nay, đại diện văn phòng Ngân hàng thế giới tại Hà Nội và Thanh tra Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản, đồng thời làm việc trực tiếp, yêu cầu UBND TP Điện Biên Phủ giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, di chuyển máy móc ra khỏi công trường và không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào cho đến khi các vấn đề được giải quyết xong và bồi thường đầy đủ.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-xe-doi-xay-truong-o-tp-dien-bien-phu-cty-anh-tuyet-ngang-nhien-huy-hoai-tai-san-cong-dan-140778.html