Dự án xây sai không ai biết: Chuyện lạ hóa bình thường?

Câu hỏi ai, cái gì… đằng sau những dự án sai phép buộc phải được trả lời. Bằng không, nạn xây dựng sai phép sẽ không chấm dứt

Ở đời này, những chuyện bé xé được ra to thì chuyện khổng lồ nói qua nói lại có khi lại thành điều vụn vặt. Thế nên mới xảy ra cái sự ‘thường ngày ở huyện’, rằng có đến là lắm những công trình lớn thật là lớn, mọc lên lừng lững một góc trời nhưng… sai phép hoặc không có giấy phép. Quái lạ hơn nữa, khi hỏi đến các cơ quan chức năng, các vị công bộc thừa mẫn cán nhưng thiếu thời gian và trách nhiệm liền lắc đầu “không biết”, “chưa thấy báo cáo lên”.

Cái sự không biết ấy cũng đến lắm lý do, khi thì công trình xây trong đêm nên không biết, khi thì chủ đầu tư nhanh tay quá nên… chưa kịp biết. Đến mức, có anh nhà báo vui tính nói nửa nạc nửa mỡ: quan chưa biết chính là bởi công trình sai phép chưa mọc chân mà đến báo cáo đấy thôi. Xem ra, lỗi lầm đích thị thuộc về đống xi măng, sắt thép…

Con đường nhựa làm trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Xã không biết việc xây dựng vì công nhân làm... đêm.

Con đường nhựa làm trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, Bình Thuận. Xã không biết việc xây dựng vì công nhân làm... đêm.

Ở đây, nói vui chính là nói thật. Băn khoăn của người dân là hoàn toàn hữu lý, đơn giản bởi, như chính họ phản ánh, xây một cái nhà tạm mà không xin phép cũng bị cơ quan chức năng đến kiểm tra. Vì vậy, hoàn toàn khó hiểu khi những công trình xây dựng kiên cố, đòi hỏi việc thi công rầm rộ và kéo dài lại qua mắt được chính những công chức luôn hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Chắc chắn phải có những điều “tế nhị” khác.

Những sự việc xảy ra thời gian vừa qua giúp làm sáng tỏ hơn bí ẩn bị giấu kín này. Một công trình không phải hoành tráng nhưng lại như mũi giáo khía sâu vào đèo Mã Pì Lèng có lẽ không làm dư luận bức xúc bằng việc chủ nhân của công trình đã lọt qua nhiều cánh cửa quản lý mà xây nhà hàng không phép ở khu vực vùng 2 của Di sản Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến khi phía huyện Mèo Vạc có những động thái theo kiểu ‘phạt cho tồn tại’, người ta lại càng nghi nghi hoặc hoặc về lời khai của bà chủ nhà hàng, lãnh đạo huyện cho bà 10 ngày để chốt có làm công trình sai phép nói trên hay không.

Sự việc xảy ra ở Đồng Nai lại càng ly kỳ hơn. Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại TP Biên Hòa đã hai lần bị cơ quan chức năng xử lý, với mức độ từ phạt hành chính, đề nghị bổ sung giấy phép, tới yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ, chỉ tồn tại khi các hạng mục đảm bảo tiêu chí theo quy định. Thiện chí mở cánh cửa rộng cho công trình sai phép ‘tồn tại’ lạ thay lại không được doanh nghiệp đón nhận. Dự án xây dựng trên khu đất rộng 2,2 ha vẫn được tiếp tục triển khai, một khu đã hoàn thành năm 2017 vẫn được cấp điện nước đầy đủ, một khu đang xây dựng trên đất vàng của TP Biên Hòa.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã phải ra văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án nói trên để điều tra về hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, không ai dám chắc về sự hợp tác của chủ đầu tư trước yêu cầu này.

“Không có nhân nhượng” là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM trước vấn nạn xây dựng không phép, trái phép ở quận Thủ Đức. Tinh thần này đã được lãnh đạo TP.HCM quán triệt khi xử lý những tồn tại tương tự ở huyện Bình Chánh, vậy mà thực tế như chính một vị lãnh đạo thừa nhận, ‘chỉ mới xử lý trách nhiệm cấp dưới, còn UBND huyện thì chưa, trách nhiệm của các ủy viên Ban Thường vụ cũng chưa”.

Điều này, tiếc thay, lại không có chút gì kỳ lạ. Công trình 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình. Sự luẩn quẩn về việc khắc phục triệt để sai phạm thì ảnh hưởng tới kết cấu công trình khiến dù Hà Nội muốn mạnh tay, việc khắc phục sai phạm của dự án này vẫn được nhiều người ví von với tốc độ… rùa bò, mà lại không phải con rùa của La Fointaine. Có thể căn nguyên không nằm ở những điều mà dư luận đã nghe đến chán tai.

Câu hỏi ai, cái gì… đứng sau những dự án sai phép buộc phải được trả lời. Bằng không, nạn xây dựng sai phép sẽ mau chóng góp thêm nhiều gương mặt những kẻ ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’, lợi dụng sự tha hóa của cán bộ quản lý cấp thấp.

Đã thế, lý do sẽ rất giản dị. Những nghi nghi hoặc hoặc về vị thế ai đó đứng phía sau sẽ khiến cán bộ quản lý ‘tránh voi chẳng xấu mặt nào’. Nạn tham nhũng vặt sẽ gây tác họa nhiều hơn chúng ta hình dung, trong khi đề xuất lắp camera để khắc phục vấn nạn này dù có thành hiện thực cũng sẽ dễ bị vô hiệu nếu người trong cuộc vẫn ngã lòng trước những đồng tiền không chính đáng.

Như vậy, minh bạch sai phạm trong xây dựng là điều tiên quyết. Vậy địa phương nào có thể đi đầu trong nỗ lực này? Hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam có khả năng và nên là người tiên phong. Hà Nội không thể trì hoãn việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực lâu hơn nữa. Nếu phía thừa hành cố tình chây ì, ban lãnh đạo có thể cứ luật mà xử. Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề nhỏ là nhà 8B Lê Trực, làm sao có thể nói đến xử lý những sai phạm lớn hơn trong xây dựng?

TP.HCM không là ngoại lệ. Những động thái kiên quyết đã được ghi nhận, nhưng để giải quyết được thì phải tìm đến tận ngọn nguồn. Nghĩa là không thể để xảy ra tình trạng không nhận trách nhiệm như ở huyện Bình Chánh, cũng phải điểm mặt chỉ tên sai phạm ở quận Thủ Đức. Nếu thật sự không ngại đụng chạm, không có vùng cấm, câu trả lời cho vấn nạn xây dựng sai phép đã rất rõ ràng.

Ngay cả trong trường hợp hai địa phương trên vẫn lần chần ‘vướng trên vướng dưới’, cơ quan quản lý cấp cao hơn hoàn toàn có thể vào cuộc. Dư luận tin tưởng, một khi muốn biết ai làm sai, người đó sẽ phải lộ diện. Sự kiên quyết từ lãnh đạo cấp cao hơn sẽ là liều thuốc thần giúp các cấp lãnh đạo địa phương tự tin đương đầu với các vấn nạn đang tồn tại, bất chấp những mối quan hệ thân quen, chằng chịt có liên quan tới doanh nghiệp cố tình làm sai.

Căn cơ hơn, chúng ta cần có một quy hoạch sử dụng đất chi tiết tại các địa phương. Chỉ có như vậy mới không xảy ra tình trạng nhà đầu tư xây dựng đón dự án hay nhòm ngó các mảnh đất vàng sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc của các cơ sở sản xuất phải chuyển ra ngoại thành. Một quy hoạch cứng cho vài chục năm với các tiêu chí mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, thiết kế… sẽ ngăn chặn luôn cả tình trạng mỗi nơi làm một nẻo, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư. Chúng ta đã sẵn sàng chi 12.000 tỷ đồng một năm cho xe công, không lẽ gì lại không có đủ nhân lực và vật lực để chuẩn hóa phát triển đô thị đúng như thông lệ thế giới theo cách này. Lại trở lại một trăn trở rất cũ, vấn đề là các công bộc đang được giao phó trách nhiệm có thực sự muốn thay đổi?

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/du-an-xay-sai-khong-ai-biet-chuyen-la-hoa-binh-thuong-3390234/