Dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La: Gọt chân cho vừa giày?

Đã 7 lần tỉnh Sơn La đi tìm vị trí để đặt nghĩa trang nhân dân nhưng đều 'bất thành'. Đến lần thứ 8, khi chọn khu vực Phiêng Khá, sát với Trường ĐH Tây Bắc để triển khai, Sơn La lại vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía tập thể giảng viên, cán bộ, học sinh, sinh viên và dư luận. Phải chẳng do quá khó nên Sơn La triển khai dự án làm theo kiểu 'đã rồi'?

Nhà ở cho công nhân thi công dự án nghĩa trang nhân dân TP Sơn La được dựng lên tại công trường

Nhà ở cho công nhân thi công dự án nghĩa trang nhân dân TP Sơn La được dựng lên tại công trường

Úp mở...…

Sáng 27/11, Báo GD&TĐ tiếp cận công trường xây dựng nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La. Vào đến bản Giảng Lắc, chúng tôi gặp ông Hà Văn Hồng, Nhóm trưởng nhóm Liên gia tự quản bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, TP Sơn La. Nhà ông Hồng gần đường chính dẫn vào công trường xây dựng nghĩa trang. Máy móc, phương tiện phá đá, mở đường rền vang khắp một vùng trời. Ông Hồng cho biết, núi được khoét, đường được mở vào khu nghĩa trang đã nhiều ngày nay. Là trưởng nhóm Liên gia tự quản, lẽ ra mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ông phải được họp và biết trước để về phổ biến cho nhân dân. Thế nhưng gần đây, ông mới được mời đi dự họp để nghe nói về việc xây dựng nghĩa trang cho dù máy móc, nhân công đã “dàn trận” khắp công trường.

Tại buổi làm việc với Trường ĐH Tây Bắc chiều 27/11, đại diện nhà đầu tư dự án, Công ty cổ phần đầu tư Phúc Lạc Viên Sơn La cam kết khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường theo quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện cho lao động tại địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Nhà đầu tư cũng cho biết sẽ xây dựng công viên nghĩa trang theo hướng văn minh, hiện đại.

Ông Hồng bức xúc: “Hôm vừa rồi, dân chúng tôi đi họp về nghĩa trang ở phường. Tôi có nói rằng: Tỉnh đã ký quyết định phê duyệt, các anh đã khởi công rồi. Bây giờ các anh mới đi lấy ý kiến của dân về tác động môi trường. Các anh đã làm rồi thì chúng tôi nói thế nào được. Họ cũng đã ghi lại ý kiến của tôi. Việc này (xây dựng nghĩa trang – PV), dân ở đây không ai đồng tình ủng hộ”.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, mới đây TP Sơn La đã triển khai dự án làm đường vào bản Giảng Lắc. Cơ bản là 22 hộ gia đình ở bản đồng thuận với chủ trương này. Thế nhưng, các hộ vẫn không khỏi bất bình bởi ngay cả những cán bộ của Ban Quản lý dự án TP Sơn La dự họp, phổ biến thông tin liên quan đến dự án nâng cấp con đường cũng “úp mở” trước nhân dân. “ Các hộ dân Giảng Lắc này vừa rồi cũng nhận tiền giải phóng mặt bằng thi công đường vào đây. Chỉ còn một đoạn đường nữa chưa được bà con đồng ý vì hai lý do. Thứ nhất, giá đền bù thấp; thứ hai, hôm họp bản, họ nói là sẽ làm đường cho dân. Tôi mới phát biểu là, các anh làm đường vào nghĩa trang thì cứ nói thẳng toẹt ra, sao cứ úp úp mở mở làm gì?”.

Ông Hà Văn Hồng, Nhóm trưởng nhóm Liên gia tự quản bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, TP Sơn La bức xúc khi dự án đã triển khai mới lấy ý kiến nhân dân

Sự đã rồi...…

Chúng tôi đến nhà ông Quàng Văn Khôn ở bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La khi cả gia đình đang bộn bề công việc. Mấy người con của ông đang ghi ghi, chép chép kiểm đếm lượng gỗ thông xuất bán. Ông Khôn ngồi cạnh để giám sát.

Ở đây có 8 hộ gia đình quần tụ, sinh sống, sản xuất từ năm 1999 đến nay. Các hộ đều trồng cà phê, rau màu và chăn nuôi. Nhà ông Khôn và nhà ông Lèo Văn Nọi chỉ cách nghĩa trang đang xây dựng một hàng rào thép gai. Biết tin, thành phố xây nghĩa trang và lò hỏa táng, các hộ dân ở bản Buổn đang nơm nớp lo âu vì nguy cơ ô nhiễm.

Ông Khôn tâm sự: “Chúng tôi chuyển về đây sinh sống từ năm 1999. Nhà tôi đang sản xuất trên diện tích 1 ha đất. Đến năm 2004 khi tỉnh phê duyệt quy hoạch Trường ĐH Tây Bắc, toàn bộ diện tích đất của 8 hộ dân chúng tôi ở đây đều nằm trong quy hoạch nhà trường. Biết thế nên khi nào nhà trường thu hồi đất, chúng tôi sẽ trả lại”.

“Hôm trước đi họp về xây dựng nghĩa trang, trưởng bản có nói: Cứ cách khu dân cư được 500m thì hãy làm, nếu không sau này kiện cáo nhau mệt lắm. Còn lò hỏa táng nói là hiện đại chứ tin sao được. Cứ có khói là có mùi”, ông Khôn căng thẳng.

“Hôm trước người ta đã đưa máy xúc vào làm rồi, nhưng mà nghe nói có đơn kiến nghị nhiều quá nên lại thôi”, anh Quàng Văn Toàn (con trai ông Khôn) chia sẻ thêm.

Ông Quàng Văn Khôn (bên phải) cùng con trai là Quàng Văn Toàn (bên trái) xác định vị trí nghĩa trang, lò hỏa táng theo bản đồ quy hoạch

Qua điều tra của Báo GD&TĐ, ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định 1916/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La. Nội dung chính đồ án quy hoạch nêu rõ: “Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên nền hiện trạng tỷ lệ 1/500 tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, cách trung tâm TP Sơn La khoảng 3km về phía Đông Nam, cách bến xe Sơn La khoảng 2km và Đại học Tây Bắc khoảng 1km về phía Tây Bắc”.

Trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại, quy hoạch Trường ĐH Tây Bắc từ năm 2004 vẫn chưa có sự điều chỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La và Trường ĐH Tây Bắc đang chỉ cách nhau một hàng rào dây thép gai.

Như vậy, có thể thấy rằng, những viện dẫn của đại diện Sở Xây dựng tỉnh Sơn La và nhà đầu tư dự án nghĩa trang, lò hỏa táng TP Sơn La trong cuộc họp chiều 27/11 với Trường ĐH Tây Bắc đang mâu thuẫn với thực tế khi chính họ đang cho rằng vị trí đặt nghĩa trang đảm bảo khoảng cách tối thiểu 500m (theo đường chim bay) với khu dân cư gần nhất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/du-an-xay-dung-nghia-trang-nhan-dan-thanh-pho-son-la-got-chan-cho-vua-giay-3966741-b.html