Dự án xanh, sạch, đẹp có phục vụ cộng đồng dân cư?

Một dự án tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp phục vụ người dân nhưng lại được UBND huyện cho quây tường kín 3 mặt, gần như không có đường đi quanh hồ. Thậm chí, muốn ngắm sự sạch và đẹp của hồ cũng khó vì theo thiết kế, án ngữ tầm nhìn là những bức tường cao tới 2,5m. Người dân xã Tam Hiệp được lợi gì từ một dự án chi phí lên tới gần 3,4 tỷ đồng này?

Mặt bằng có sạch khi đất đang tranh chấp?

Như báo PL&XH phản ánh ở số báo trước, trong các ngày 25 và ngày 28-2-2019, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp và vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tỵ, Cụm 3 đã tiến hành hai buổi làm việc nhưng không đạt được tiếng nói chung trong việc xác định mốc giới ao hồ bơi để phục vụ cho dự án cải tạo và xây mới ao hồ bơi trường tiểu học Tam Hiệp.

Trước đó 7 ngày, tức ngày 20-2, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã và bà Từ Thị Yến, cán bộ địa chính đã đại diện cho UBND xã Tam Hiệp đứng ra bàn giao mốc giới, mặt bằng Dự án ao hồ bơi cho chủ đầu tư mới là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ, đơn vị thi công và cũng là nhà thầu là Cty TNHH xây dựng đô thị Toàn Thắng, do bà Nguyễn Thị Lương làm GĐ… Cũng trong ngày này, dự án chính thức được khởi công.

Điều này đồng nghĩa với việc, UBND xã Tam Hiệp đã âm thầm xác định mốc giới nhưng người dân là ông Tỵ và gia đình không được thông báo. Theo luật định, dự án chưa có mặt bằng sạch theo đúng nghĩa nên không thể tiến hành thi công. Bất chấp sự thật này, sau buổi chiều 28-2, làm việc giữa ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã với vợ chồng ông Tỵ, ngày 1-3, theo lời của ông Lê Hồng Hưng, Phó GĐ Ban quản lý dự án, phía Cty TNHH xây dựng đô thị Toàn Thắng đã cho người và phương tiện tiến vào đất do gia đình ông Tỵ quản lý phá tường, phá cây…

Khi PV đặt câu hỏi: Một dự án mang tính xã hội, được UBND huyện phê duyệt nhưng không hề thấy cắm biển thông báo về dự án cũng như bản vẽ tổng thể? Ông Hưng giải thích rằng, phía Cty Toàn Thắng vào đất do gia đình ông Tỵ quản lý là để phát quang bụi rậm, lấy mặt bằng cắm biển thông báo dự án?

Sau buổi làm việc với PV, ngày hôm sau, một tấm biển nhỏ và sơ sài về dự án được ai đó cắm lên. Liệu cắm một tấm biển nhỏ có nhất thiết phải phá tan hoang một diện tích gần 100m2? Một khu đất do người dân đang sử dụng có tường xây tuổi đời hàng chục năm, cùng nhiều cây to liệu có được gọi là bụi rậm như nhìn nhận của ông Phó GĐ Ban quản lý dự án và UBND xã Tam Hiệp?

Ba bên hồ được xây tường cao nhưng mặt giáp nơi các cháu học sinh học lại được thiết kế lan can sắt. Ảnh: K.H

Ba bên hồ được xây tường cao nhưng mặt giáp nơi các cháu học sinh học lại được thiết kế lan can sắt. Ảnh: K.H

Dự án phục vụ ai?

Được biết, ngày 31-10-2018, ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ ký Quyết định: “Phê duyệt báo cáo kinh tế- kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình ao hồ bơi trường tiểu học Tam Hiệp, xã Tam Hiệp”. Dự án được tiến hành nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Các hạng mục thi công gồm: Nạo vét bùn dưới lòng ao, xây kè đá, làm lan can, vỉa hè, tường rào, rãnh thoát nước… Tổng mức đầu tư gần 3,4 tỷ đồng, trong đó chi phí riêng cho xây dựng là gần 2,7 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý dự án, thời gian thi công dự án trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 20-2-2019. Một dự án mang tính cộng đồng nhưng khi được PV phản ánh, đơn vị thi công mới cho dựng lên một tấm biển sơ sài thông báo về dự án, nhưng quy mô dự án ra sao, mốc giới như thế nào… lại hết sức bí mật, cho dù lãnh đạo Ban quản lý dự án thông báo, UBND xã từng đọc thông tin về nó trên loa phát thanh.

Từ tài liệu chúng tôi có được, có thể hình dung: Phần hồ liền kề với trục đường bê tông của xã sẽ được xây thêm vỉa hè, lát gạch terrazzo, tiếp đó là bức tường chắn cao 2,5m. Đối diện là trường học, ngăn cách với hồ là hệ thống lan can bằng thép mạ kẽn dài 103m, cao 1,2m. Trước cửa nhà ông Tỵ được xây tường rào chắn. Đối diện nhà ông Tỵ là đất của một số hộ dân sẽ được xây tường rào, bên trong tường xây vỉa hè, sát mép hồ có lan can thép ngăn cách.

Trái với tưởng tượng của nhiều người dân xã Tam Hiệp nói chung và cụm 3 nói riêng, sau khi dự án hoàn thành sẽ có một mặt nước trong lành, xung quanh có vỉa hè lát gạch, cây xanh che phủ. Từ hạ tầng trong tưởng tượng, người dân có chỗ để tập thể dục, đi dạo quanh hồ. Gió từ mặt hồ làm giảm đi cái oi bức ngày hè.

Trên thực tế không phải vậy, bao xung quanh hồ, ngăn cách với khu dân cư sẽ là những bức tường xây cao 2,5m, đương nhiên không có vỉa hè chạy hết xung quanh hồ. Liệu với thiết kế và chiều cao như vậy người dân có cơ hội đi quanh và ngắm sự xanh, sạch, đẹp của hồ như tiêu chí hướng đến của dự án? Một tiêu chí khác được nhắc đến trong quyết định của UBND huyện là đảm bảo sự an toàn cho người dân. Trong khi ba mặt giáp nhà dân, đường đi của xã bị bịt tường kín mít thì phía liền kề, nằm sát khuôn viên của trường tiểu học, nơi có hàng trăm cháu nhỏ theo học người ta lại thiết kế lan can sắt với những kẽ hở để ngăn cách với hồ (Hiện ngăn cách với hồ chỉ là tấm lưới mắt cáo đơn giản ở khu vực nhà để xe). Những lan can này có cản được sự hiếu động của trẻ nhỏ? Các phụ huynh có được xã và nhà trường thông báo về thiết kế này?

Trong buổi làm việc với PV, ông Lê Hồng Hưng, Phó GĐ Ban quản lý dự án- chủ đầu tư nói, dự án này xuất phát từ đề xuất của lãnh đạo trường tiểu học Tam Hiệp và UBND xã Tam Hiệp. Liệu có phải từ đề xuất này nên mọi thiết kế về cảnh quan gần như chỉ phục vụ nhà trường thay vì cho cộng đồng? UBND huyện Phúc Thọ có rộng lượng không khi bỏ ra số vốn gần 3,4 tỷ đồng từ chính ngân sách của huyện gần như chỉ để giúp nhà trường có hồ đẹp nhưng lại ẩn chứa những câu hỏi về sự an toàn cho các học sinh? Với tổng chiều dài của dự án là 220m cùng các hạng mục như đề cập ở trên thì số ngân sách gần 3,4 tỷ đồng đổ vào đây có hợp lý?

Rất mong UBND TP Hà Nội và các Sở, ngành liên quan cùng vào cuộc để làm rõ hơn về dự án.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-xanh-sach-dep-co-phuc-vu-cong-dong-dan-cu-140340.html