Dự án ven sông Hàn: Hội quy hoạch 'vênh' quan điểm chuyên gia thủy lợi

Sáng 7.5, tại hội nghị phản biện xã hội về dự án ven sông Hàn, bến du thuyền Marina Complex, các nhà chuyên môn về thủy lợi cho biết qua đánh giá, dự án trên không ảnh hưởng quá nhiều đến dòng chảy sông Hàn. Trong khi đó, đại diện một số hội Đà Nẵng lại kiên quyết yêu cầu dừng dự án.

 Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng kiên quyết dừng dự án. Ảnh: HV

Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng kiên quyết dừng dự án. Ảnh: HV

Các hội đoàn Đà Nẵng kiên quyết đề nghị dừng dự án

Tham dự và có ý kiến tại hội nghị, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, “Lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững phải là mục tiêu tiên quyết mà Đà Nẵng hướng đến. Vì vậy, tôi đề nghị không tiếp tục triển khai dự án. Nhìn dưới góc độ mỹ quan đô thị thì vấn đề lấn sông như Đà Nẵng hiện nay là rất khó chấp nhận” .

Hội Quy hoạch Đà Nẵng kiến nghị dừng dự án, điều chỉnh theo hướng phát triển không gian công cộng. Ảnh: HV

Ông Tiếng nói rất tâm huyết nhưng không đưa ra các luận chứng khoa học để chứng minh tác động xấu của các dự án ven sông Hàn. Ông cũng chê trách lãnh đạo tiền nhiệm của chính quyền Đà Nẵng để phê duyệt các dự án ven sông.

Tuy nhiên, điều hội nghị bất ngờ là với tư cách lãnh đạo lâu năm của Đà Nẵng, trong đó vai trò Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy, nhưng ông Tiếng đã không đưa ý kiến phản biện khi các dự án này vừa được phê duyệt, triển khai từ hơn 10 năm trước?

KTS Phan Đức Hải – Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố chia sẻ, sau 20 năm, trước “sức nóng” của đô thị hóa, sông Hàn đã bị chèn ép bởi nhiều dự án phân khúc manh mún trong quy hoạch ngắn hạn. Phía cửa sông ban đầu chỉ rộng 700m qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Cho nên cần phải giám định lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ven sông.

“Theo chúng tôi không nên xây dựng các công trình như dự kiến. Tốt nhất nên dừng lại. Dẫu biết sẽ tốn kém thời gian, tiền bạc và uy tín. Nhưng nếu chính quyền thành phố và nhà đầu tư tháo gỡ từng bước dự án, cụ thể hóa bằng những giai đoạn trước mắt và trung hạn, biến khu vực ven sông thành công viên cảnh quan kết hợp du lịch thì cảnh quan sông Hàn trở thành một điểm đến hấp dẫn” – ông Hải phát biểu.

Chuyên gia nhận định có ảnh hưởng nhưng không nhiều

Trái với những ý kiến của một số hội tại Đà Nẵng, các chuyên gia thủy lợi đến từ ĐH TP. HCM, ĐH Thủy lợi Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng... đã có bài các phân tích, trên cơ sở khoa học như đánh giá tình hình lũ tại Đà Nẵng trước và sau khi có dự án bến du thuyền để đưa ra các ý kiến.

TS Lê Hùng – Giảng viên khoa Xây dựng Thủy Lợi – Thủy Điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, trong 10 năm, Đà Nẵng là một trong những tỉnh miền Trung có địa hình thay đổi nhiều nhất.

Với dự án bến du thuyền Marina Complex, qua đánh giá các cơn lũ lớn trong thời gian qua, ông Lê Hùng cho rằng, không có sự thay đổi đột biến về lũ trên sông Hàn khi có và không có công trình.

Bà Phạm Thị Hương Lan – Đại học Thủy lợi Hà Nội cho biết: “Quan điểm của tôi là tính toán tác động dự án trên quan điểm khoa học và đánh giá trên khu vực sông Vu Gia – Thu Bồn chứ không riêng gì sông Hàn. Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, không riêng gì dự án bến du thuyền trên, dòng chảy sông Hàn còn bị ảnh hưởng bởi các công trình trên sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý,…. Tất cả những công trình này đều làm thu nhỏ mặt cắt của sông, ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn” – bà Lan cho hay.

TS Lê Song Giang khẳng định dự án chỉ ảnh hưởng nhỏ đến dòng chảy sông Hàn và có thể khắc phục được. Ảnh: HV

TS Lê Song Giang – Đại học Bách Khoa TP. HCM cũng khẳng định, sau các kết quả nghiên cứu tỉ mỉ hai bên bờ sông Hàn thì việc san lấp tại khu vực dự án Marina Complex không làm gia tăng ngập lũ tại Đà Nẵng, mà ngược lại đã giúp nắn lại dòng chảy, giúp thoát lũ tốt hơn.

THÙY TRANG - HOÀNG VINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/du-an-ven-song-han-hoi-quy-hoach-venh-quan-diem-chuyen-gia-thuy-loi-731870.ldo