Dự án treo gần 15 năm hành dân

Vì nhường đất cho Dự án Khu đô thị mới Bình Minh, gần 15 năm qua, hơn 80 hộ dân sinh sống tại phố Quang Trung, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa phải sống trong những căn nhà đã dột nát, tạm bợ do không được cải tạo hoặc xây dựng mới. Cùng với đó là hệ thống giao thông xuống cấp trầm trọng, môi sinh bị ô nhiễm, khiến đời sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn.

Ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng của một hộ dân nằm trong vùng dự án.

Khu “ổ chuột” giữa lòng thành phố

Năm 2004, Dự án Khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi hay còn gọi là Dự án Khu đô thị mới Bình Minh (ở xã Đông Hương nay là phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) được tỉnh Thanh Hóa giao cho Cty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Cty Bình Minh) làm chủ đầu tư.

Dự án khi đi vào triển khai đã khiến cho hàng trăm hộ dân nơi đây phải di dời để nhường đất. Thế nhưng, sau gần 15 năm, hơn 80 hộ dân còn lại nằm trong lòng của Dự án này vẫn chưa thể di dời đến khu tái định cư mới, do chưa tìm được tiếng nói chung với chính quyền trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Theo quan sát của chúng tôi, nằm ngay sau những dãy biệt thự cao tầng tráng lệ tại Khu đô thị mới Bình Minh là những con đường đất nhếch nhác, lầy lội, chật hẹp dẫn vào những ngôi nhà xập xệ, cũ kĩ, dột nát nhưng không được cải tạo tại khu dân cư thôn Hầu, phố Quang Trung, phường Đông Hương.

Đang dùng chậu hứng những dòng nước mưa chảy từ trên mái nhà xuống, ông Lê Ngọc Kim (60 tuổi) trú tại đường Nguyễn Tĩnh, phố Quang Trung, phường Đông Hương thở dài ngao ngán: “Biết đến bao giờ bà con chúng tôi mới thoát khỏi những ngôi nhà rách nát, xập xệ ngay giữa lòng khu đô thị này”.

Ông Kim cho biết: Gia đình ông có 7 người, gồm: 2 vợ chồng, 4 đứa con đã lớn cùng mẹ ông Kim nay đã 101 tuổi. Hơn 30 năm nay, 7 con người này đã phải chen chúc trong ngôi nhà cấp 4. Trong khi đó tổng diện tích đất của gia đình là hơn 300m2, con cái đã lớn muốn xây dựng cơi nới thêm cũng không được, nên phần diện tích đó đành bỏ trống. Muốn tách thửa cho con cũng không được, mà bán đi cũng không xong. “Trong khu phố này, đa số các hộ đều rơi vào hoàn cảnh giống như gia đình tôi”– ông Kim buồn bã nói.

Tìm hiểu được biết, do khu dân cư đã được xây dựng từ nhiều năm trước nên hệ thống thoát nước, cống rãnh đã trở trên lỗi thời, xuống cấp khiến nước không thể tiêu thoát, gây nên tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm. Những ngày mưa lớn, nước tại các cống rãnh dâng cao không thể tiêu thoát làm toàn bộ chất thải từ cống rãnh, nhà vệ sinh chảy tràn lênh láng khắp các ngõ ngách, len lỏi vào từng căn nhà và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thêm vào đó, hệ thống đường dây điện sinh hoạt đấu nối chằng chịt, nguy cơ xảy ra chập cháy là rất cao. Hệ thống đường dẫn nước sinh hoạt đã cũ, nên tình trạng mất, thiếu nước liên tục xảy ra.

Một thực trạng dễ nhận thấy là hàng chục hộ dân sinh sống đã hàng trăm năm trên mảnh đất của cha ông để lại, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất để xây dựng Khu đô thị mới Bình Minh nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được tách thửa cho con cái, không được xây dựng mới nhà cửa, cũng như tu sửa, cơi nới những công trình nhà ở đã bị xuống cấp.

Bà Hoàng Thị Nhung, một người dân sống tại “khu ổ chuột” phàn nàn: “Gia đình tôi sống ở đây đã 4 đời. Từ khi có quyết định thu hồi đất phục vụ cho Dự án từ năm 2004, chúng tôi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không cho xây dựng nhà ở, không cho sửa chữa nhà dù đã xuống cấp, cuộc sống của người dân chúng tôi khổ sở vô cùng”.

Treo đến bao giờ?

Ông Lê Văn Lục , Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hương, TP Thanh Hóa cho biết: Những phản ánh trên của bà con là có cơ sở. “Chính quyền địa phương cũng chia sẻ, thông cảm với cuộc sống của bà con. Tuy nhiên, do diện tích đất của các hộ đã có quyết định thu hồi để xây dựng Khu đô thị mới Bình Minh nên không được phép xây dựng, sửa chữa hay nâng cấp. Về những thực trạng đã và đang xảy ra với hơn 80 hộ dân sống tại phố Quang Trung, chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên và phía chủ đầu tư Dự án. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, sắp xếp phần đất tái định cư nên chủ đầu tư chưa thể triển khai Dự án”- ông Lục cho biết thêm.

Được biết, vào đầu năm 2018, phía chủ Dự án cũng đã tiến hành họp dân, kiểm kê tài sản của từng hộ để từ đó ra phương án áp giá đền bù, sớm triển khai Dự án. Nhưng nhiều hộ dân chưa thống nhất. Nếu nhận được sự đồng thuận của tất cả hộ dân thì nhanh nhất cũng phải cuối năm sau Dự án mới có khả năng triển khai tiếp.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-dan/du-an-treo-gan-15-nam-hanh-dan-tintuc411684