Dự án Tokyo Tower bị siết nợ: Hành trình đòi bảo lãnh của nhà đầu tư thứ cấp

'Tôi là nhà đầu tư thứ cấp, cả 'chì và chài' ngân hàng đều nắm giữ. Đáng lẽ họ phải đứng ra bảo lãnh tiến độ dự án và trả lại tiền cho tôi theo nghĩa vụ bảo lãnh'.

"Nhưng giờ họ lại siết nợ tôi bằng chính tài sản tôi đang thế chấp ở ngân hàng. Đau nhất, họ còn loan tin tôi đang nợ trên 100 tỷ đồng và việc thu giữ tài sản đảm bảo là do công ty tôi đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký” - Đây là lời than của lãnh đạo một sàn phân phối bất động sản khi chính đơn vị này đang đi đòi quyền lợi bảo lãnh căn hộ và bị ngân hàng quay lưng.

Dự án Tokyo Tower đã bị ngân hàng PVcomBank siết nợ

Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Vũ Văn Vương - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Vương cũng là vị lãnh đạo trên cho biết, Công ty CP Thương mại Hoàng Vương là đối tác phân phối chính cho Dự án Tokyo Tower để giúp Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 có vốn thực hiện dự án.

Theo đó, Công ty Hoàng Vương đã đứng ra vay 91,8 tỷ đồng từ PVcomBank để giao cho Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 thực hiện dự án, đổi lại Công ty Hoàng Vương được quyền phân phối và bán các căn hộ theo thỏa thuận 2 bên.

Trước khi ký hợp đồng mua bán nhà ở được ký kết, ông đã nhận được Thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN của Ngân hàng PVcomBank đề ngày 23/10/2015 về việc cam kết sẽ phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với tòa nhà Tokyo Tower.

Sau khi nhận được thư cam kết phát hành bảo lãnh trên, ông hoàn toàn yên tâm và tin tưởng. Do vậy ngày 12/11/2015, Hoàng Vương đã tiến hành ký kết hợp đồng mua 552 căn hộ của chủ đầu tư, nguồn vốn dùng để mua căn hộ một phần của Hoàng Vương tự có, một phần vay từ chính ngân hàng.

Trong quá trình triển khai dự án, giữa chủ đầu tư, Hoàng Vương và ngân hàng luôn có sự phối hợp, bàn bạc và thống nhất trước khi thực hiện từng công việc. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên cho tới nay chủ đầu tư không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ được cam kết trong hợp đồng mua bán đã ký kết với Hoàng Vương.

“Dự án dự kiến hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 12/2017, muộn nhất là vào 31/3/2018 (tức 90 ngày so với thời điểm dự kiến). Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao cho khách hàng. Nếu thời điểm nhận căn hộ chậm quá 180 ngày so với dự kiến (30/6/2018), khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng mua bán và có quyền nhận lại số tiền mua căn hộ trong vòng 15 ngày. Còn PVcomBank là nhà bảo lãnh cho nghĩa vụ hoàn trả của Sông Đà 1.01 và cam kết với khách hàng mua căn hộ Tokyo Tower sẽ thực hiện trả thay cho Sông Đà 1.01 trong trường hợp Sông Đà 1.01 vi phạm nghĩa vụ hoàn trả” – ông Vương dẫn chứng hợp đồng.

Liên tiếp các công văn được gửi đi từ phía Hoàng Vương và ngân hàng PVcomBank

Khoản 3, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản có quy định: “Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu, thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết”.

Do dự án không hoàn thành đúng tiến độ, đến ngày 19/7/2018 Hoàng Vương đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư hoàn lại cho Hoàng Vương toàn bộ số tiền đã đóng để mua căn hộ và tiền phạt phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng bao gồm: Số tiền theo hợp đồng đã thanh toán: 151,3 tỷ đồng. Số tiền phạt theo điều 12.2.2 là gần 25 tỷ đồng.

“Tính đến nay Công ty đã gửi công văn 4 lần đề nghị được bảo lãnh thì PvcomBank lại vịn vào khoản nợ 91,8 tỷ đồng quá hạn để ra thông báo thu giữ tài sản của chúng tôi là vô lý” – ông Vương cho biết.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật BROS và Cộng sự, theo quy định PVcomBank phải gửi Thư bảo lãnh cho cả người mua dự án và nhà phân phối Công ty Hoàng Vương mới đúng, bởi mọi khách hàng đều có quyền lợi được PVcomBank bảo lãnh như thỏa thuận trước đó.

Tuy nhiên đến nay, gần như 100% người mua nhà và ngay cả Công ty Hoàng Vương, đơn vị phân phối chính của Dự án Tokyo Tower vẫn không nhận được Thư bảo lãnh của PVcomBank.

Về phía khách hàng mua nhà tại dự án, theo phân tích của luật sư Nguyễn Trường - Đoàn luật sư TP.HCM, khi ngân hàng siết nợ và đem dự án đấu giá, phát mãi tài sản thành công thì khách hàng cũng sẽ không được ưu tiên xử lý.

“Quy định về thứ tự ưu tiên giải quyết, tiền nợ thuế, các nghĩa vụ liên quan đến Nhà nước nếu có của chủ đầu tư sẽ ưu tiên xử lý trước, tiếp đến là xử lý cho đơn vị có giao dịch bảo đảm và đó là ngân hàng. Khi những đối tượng trên được ưu tiên xử lý nợ trước, số tiền còn lại mới được dùng để xử lý tiếp cho khách hàng vì đối tượng này không có giao dịch bảo đảm” – luật sư này cho biết.

Lúc này, hàng trăm khách hàng yêu cầu phía Ngân hàng thực hiện lời hứa bằng cách trao thư bảo lãnh. “Trước mắt, có thư bảo lãnh chúng tôi mới có thể yên tâm” – các cư dân mua nhà tại dự án cho biết.

THIÊN BÌNH

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-an-tokyo-tower-bi-siet-no-ky-iii-hanh-trinh-doi-bao-lanh-cua-nha-dau-tu-thu-cap-137678.html