Dự án Tisco 2 cần được tiếp tục đầu tư

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên mới đây đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên, và một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo là tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2). PV đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương xoay quanh nội dung tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

- Thưa ông, việc tìm giải pháp tháo gỡ cho Tisco 2 thì đã được bàn đến nhiều, là Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này khi còn đương nhiệm, ông có thể đưa ra đánh giá của riêng mình?

Ông Lê Dương Quang

Ông Lê Dương Quang

Ông Lê Dương Quang: Trước hết, theo tôi không nên đưa Tisco 2 vào danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, cần xác định như thế vì hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình đầu tư nên chưa đủ căn cứ để đánh giá như vậy.

-Ông nói chưa đủ căn cứ, tuy nhiên quá trình đầu tư đã kéo dài và đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động?

Đúng vậy, dự án kéo dài do một số lý do. Trước hết là việc tăng vốn khi tách phần xây lắp để phía Việt Nam đảm nhiệm vào năm 2009. Trên thực tế thời điểm đó do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên chi phí đầu vào biến động rất lớn, các dự án khác chứ không riêng gì Tisco 2 đều chịu ảnh hưởng. Vì lẽ đó nên phía Việt Nam mới chấp thuận phương án cho tăng giá phần xây lắp (Tisco sau đó tăng thêm hơn 15,5 triệu USD) và giới thiệu Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp (Vinaincon) cho nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC).

-Thưa ông, nhưng dự án đâu chỉ tăng vốn riêng phần xây lắp, sau đó tổng mức đầu tư (TMĐT) cũng được điều chỉnh tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng, vậy đâu là cơ sở của việc tăng thêm này?

Như tôi đã nói, trong quá trình thực hiện do biến động đầu vào quá lớn và kéo dài, vì vậy Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) đã đề xuất tăng TMĐT. Sau khi được các Bộ hữu quan chấp thuận về chủ trương, Chính phủ đã đồng ý cho phép điều chỉnh. Trên cơ sở đó VNS và Tisco quyết định mức tăng cụ thể theo thẩm quyền của mình. Nói cho công bằng, việc tăng vốn thời điểm đó là đúng đắn (bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh) và hợp pháp khi tất cả các khâu đều được rà soát và thẩm định đầy đủ. Điều này được thể hiện cả trong Nghị quyết của Chính phủ.

Ảnh minh họa

-Thiếu vốn thì đã được điều chỉnh, thưa ông, nhưng vì sao dự án lại rơi vào tình trạng như hiện nay?

Dự án có nguyên nhân chậm trễ như đã nói là cần tăng vốn, nếu không thì không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một nguyên nhân nữa là thái độ thiếu thiện chí của nhà thầu MCC, chính sự thiếu thiện chí này đã làm cho việc xử lý các phát sinh, vướng mắc bị kéo dài. Tất nhiên ở đây cũng có những lý do khác nữa nên dự án bị trễ thêm trong khoảng thời gian 3 năm.

-Theo ông dự án còn cách tháo gỡ hay đã đi vào bế tắc?

Không có gì bế tắc cả, về tổng thể thì hiện nay khoảng 93% thiết bị đã được nhập về Việt Nam, phần còn thiếu thì giá trị không lớn. Có điều này tôi muốn nhấn mạnh là những biện pháp của Chính phủ (khóa trước) nhằm xử lý, tháo gỡ là phương án tốt nhất và cần thiết vào lúc đó. Tôi có thể khẳng định, định hướng đó vẫn đúng và cần thiết cho đến tận thời điểm này. Giờ đây, theo tôi dự án vẫn cần được triển khai vì như đã nói các hạng mục, thiết bị vẫn còn đó, không có chuyện là "sắt vụn" và tiến độ đã được tháo gỡ phần lớn.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên do Công ty Gang thép Thái Nguyên là chủ đầu tư. Dự án gồm 2 hạng mục chính, thứ nhất là mỏ sắt Tiến Bộ (422 tỷ đồng) và thứ hai là dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá (ban đầu tổng mức đầu tư là 3.800 tỷ đồng sau đó được điều chỉnh lên 8.100 tỷ đồng).

Hạng mục thứ 2 được ký hợp đồng vào năm 2007 theo hình thức EPC với nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc.

Quang Khải (thực hiện)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201904/du-an-tisco-2-can-duoc-tiep-tuc-dau-tu-631416/