Dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé: Thông qua ĐTM với tỷ lệ 100%, dù còn nhiều tranh cãi!

Vừa qua, Hội đồng thẩm định do Bộ Tài nguyên môi trường thành lập vừa thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn Cái Bé. Tuy nhiên, kết quả này vẫn tiếp tục bị giới chuyên môn trong lĩnh vực bày tỏ nhiều nghi ngại, đặc biệt ngay trong hội đồng cũng có những ý kiến trái chiều.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trọn trong vùng Bán đảo Cà Mau, với tổng diện tích đất tự nhiên vùng dự án là 909.248 ha, chiếm hơn 20% diện tích toàn ĐBSCL; trong đó hiệu quả trực tiếp của Dự án giai đoạn 1 là 384.120 ha.

Các hạng mục đầu tư cho giai đoạn 1 gồm: (1) cống Cái Lớn, cống Cái Bé; (2) đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61; và (3) kênh nối sông Cái Lớn - Cái Bé.

Dự án giai đoạn 1 có mục tiêu chính là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé; góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.

Vùng dự án nằm trong vùng ĐBSCL

Theo nguồn tin riêng của Người Đô Thị, tại buổi thẩm định ĐTM dự án Cái Lớn Cái Bé vào ngày 3.11.2018, ý kiến đánh giá, phản biện của các thành viên Hội đồng thẩm định là khoa học, khách quan, chỉ ra nhiều điểm chưa thuyết phục và vấn đề của dự án.

Theo đó, nội dung ĐTM dự án cho thấy các số liệu được đưa ra tính toán là chưa đáng tin cậy, chưa đầy đủ.

Cơ chế vận hành hai cống Cái Lớn, Cái Bé chưa được tính toán đầy đủ, quá sơ sài, đơn giản và không thực tế.

Báo cáo chỉ mới đánh giá tác động của giai đoạn 1 mà không đầy đủ hai giai đoạn để có những đánh giá toàn diện dự án.

Báo cáo ĐTM cũng cho thấy dự án chỉ đánh giá tác động theo đúng một chiều là ủng hộ, thiếu khách quan khi cho rằng chỉ duy nhất một phương án là cần thực hiện dự án;…

Một vấn đề khác được ghi nhận tại buổi thẩm định dự án, đã có nhiều ý kiến thành viên hội đồng cho rằng: nên chăng là hoãn dự án sông Cái Lớn Cái Bé, do việc tính toán tác động của dự án với quy mô công trình quá lớn này cho đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để thực hiện.

Tuy nhiên, kết thúc buổi thẩm định, kết quả: 21/21 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thông qua báo cáo ĐTM dự án, với điều kiện phải điều chỉnh, bổ sung bản báo cáo đánh giá theo ý kiến hội đồng.

Trao đổi với Người Đô Thị, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá: “dự án này đã có rất nhiều ý kiến, đặc biệt là các ý kiến lo ngại, nên Bộ Tài nguyên môi trường đã thành lập một hội đồng tập hợp các nhà khoa học có thể gọi là đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, và tất cả các địa phương liên quan phía Nam có mặt trong hội đồng. Một hội đồng lớn và rất nghiêm túc. Các nhà khoa học cũng đã nêu ra tất cả các vấn đề cần lưu ý, chỉnh sửa.”

Tuy nhiên, đánh giá về kết quả này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bày tỏ thất vọng và lo lắng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia độc lập cho rằng kết quả này chưa đi sát theo tinh thần Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo tinh thần Nghị quyết này, các dự án xây dựng cần thuận thiên, không tác động thô bạo lên môi trường; bên cạnh những giải pháp công trình còn cần những giải pháp phi công trình. Những giải pháp công trình phải là giải pháp không hối tiếc, phải là công trình có thể thay đổi nhiều công năng. Sản xuất nông nghiệp phải theo tín hiệu của thị trường; …

Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với một công trình còn gây nhiều tranh cãi như dự án Cái Lớn Cái Bé, nếu khi làm xong mà không sửa đổi được nữa, thì nó sẽ quyết định luôn diễn biến về sau của ĐBSCL; đặc biệt trong bối cảnh đồng bằng đã được dự báo sẽ phải chịu nhiều tác động tự nhiên khó lường.

Đặc biệt, việc một dự án còn gây nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi và tác động lớn trong hội đồng thẩm định, đặc biệt là có những ý kiến cần hoãn dự án trong thời gian này mà vẫn được Hội đồng thẩm định thông qua ĐTM là một điều cần xem xét lại.

Cửa sông Cái Bé đổ thẳng ra Vịnh Rạch Giá. Ảnh: TL

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tổng diện tích đất tự nhiên vùng dự án là 909.248 ha (chiếm hơn 20% diện tích toàn ĐBSCL), thuộc địa bàn 6 tỉnh: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ; trong đó, hiệu quả trực tiếp của Dự án giai đoạn 1 là 384.120 ha.

Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (gọi tắt Ban 10 - thuộc Bộ NNPT&NT); Bộ NN&PTNT là cấp quyết định đầu tư.

Năm 2010, Ban 10 ký hợp đồng với Viện Kỹ thuật biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện “Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường” dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (trước đây là dự án cống Cái Lớn – Cái Bé).

Các kết quả nghiên cứu đánh giá tác động dự án này đến vùng Bán đảo Cà Mau được thực hiện từ tháng 9.2016, chỉnh sửa, cung cấp lại tháng 8.2018.

Đến tháng 11.2018, Hội đồng thẩm định do Bộ TNMT thành lập đã thông qua báo cáo ĐTM dự án.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được phê duyệt và phải trải qua một thời gian rất dài, với rất nhiều ý kiến tranh cãi, đặc biệt là phản đối của giới khoa học độc lập. Cụ thể, từ năm 2006, Dự án cống Cái Lớn, Cái Bé đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 nhằm kiểm soát mặn, giữ ngọt cho lưu vực sông Cái Lớn, Cái Bé.

Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng, trong đó xây dựng hai cống Cái Lớn, Cái Bé nhằm kiểm soát mặn từ biển Tây, giữ ngọt và tăng khả năng chuyển nước ngọt cho vùng nhất là vùng Nam bán đảo Cà Mau.

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ vào tháng 4.2017, mục tiêu dự án giai đoạn 1 nhằm: kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé; đồng thời góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.

Lê Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-thong-qua-dtm-voi-ty-le-100-du-con-nhieu-tranh-cai-16266.html