Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam: Giảm phát thải 1,8 triệu tấn CO2

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam (Dự án), mới đây, tại Hải Phòng, đoàn công tác của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) do bà Valerie Cliff - Phó Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Cty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc.

Đoàn công tác UNDP và lãnh đạo Dự án làm việc tại Cty Thanh Phúc (Hải Phòng)

Cùng đi có bà Caitlin Wiesen - Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật, Giám đốc quốc gia Dự án.

Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Dự án do UNDP tài trợ từ nguồn vốn Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản, Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện.

Được triển khai trong các năm 2014 – 2019, Dự án nhằm mục tiêu cắt giảm tỷ lệ tăng hàng năm mức phát thải khí nhà kính bằng việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung (GKN) tại Việt Nam.

Cty Thanh Phúc là doanh nghiệp giàu kinh nghiệm trong sản xuất GKN và chế tạo thiết bị, dây chuyền sản xuất GKN. Từ năm 2016, Thanh Phúc là một trong những doanh nghiệp tham gia Dự án.

Chủ tịch HĐQT Cty Thanh Phúc Trần Duy Cảnh cho biết: Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án, Thanh Phúc đã trình diễn công nghệ sản xuất GKN và công nghệ chế tạo máy sản xuất GKN tự động hóa. Từ đó, thương hiệu của Thanh Phúc càng được thị trường biết đến rộng rãi, năng lực cung cấp thiết bị sản xuất GKN của Thanh Phúc càng được nâng cao.

Thanh Phúc hiện là một trong những đơn vị tiên phong về chế tạo và cung cấp các dây chuyền thiết bị sản xuất GKN tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Riêng trong 2 năm 2017 - 2018, Thanh Phúc đã sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước hơn 60 dây chuyền sản xuất GKN. Đặc biệt, Thanh Phúc đã xuất khẩu thiết bị sản xuất GKN sang một số nước như Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Ấn Độ và Bồ Đào Nha...

Phó Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Valerie Cliff đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ kỹ thuật của Dự án

Thanh Phúc đồng thời sở hữu 1 nhà máy GKN. Với sự hỗ trợ của Dự án, Thanh Phúc đã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhà máy này sản xuất và cung cấp cho thị trường GKN 20 triệu viên QTC trong năm 2017 và 25 triệu viên QTC trong năm 2018.

Giám đốc Dự án, ông Nguyễn Đình Hậu nhận định: Ở các 2 lĩnh vực, chế tạo thiết bị và sản xuất, cung ứng GKN, Thanh Phúc đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển GKN tại Việt Nam.

Góp phần phát triển GKN tại Việt Nam

Đề cập đến hiệu quả của Dự án, ông Nguyễn Đình Hậu cho biết: Dự án được triển khai từ 2015, đồng bộ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một trong những thành quả Dự án đạt được là tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản về các chính sách phát triển, tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ, thiết bị sản xuất GKN, thiết kế và xây dựng công trình sử dụng GKN cho các địa phương.

Đến nay, Dự án đạt được các kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020 của Chính phủ.

Thanh Phúc là một trong những đơn vị tiên phong về chế tạo và cung cấp thiết bị sản xuất GKN tại Việt Nam

Ông Hậu nhận định: Thực tế cho thấy, GKN được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, chất lượng hoàn toàn đáp ứng và thay thế gạch nung truyền thống. Thậm chí, sản phẩm GKN còn đa dạng hơn về màu sắc, kích cỡ, chủng loại.

Đối với việc đổi mới công nghệ sản xuất GKN, ông Hậu cho biết: Bộ KN&CN, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan rất quan tâm. Bộ KH&CN hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp đổi mới công nghệ để bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm GKN, mức độ tiên tiến của sản phẩm. Thực tế tại Cty Thanh Phúc cho thấy, công nghệ trong nước đã có đủ điều kiện để chế tạo thiết bị hiện đại, có thể chủ động đáp ứng nhu cầu sản xuất GKN.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020 thì vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhất là trong việc tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển GKN.

Cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, UNDP đối với Dự án, ông Nguyễn Đình Hậu bày tỏ quyết tâm triển khai Dự án đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, Dự án đang thúc đẩy hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả các bên có liên quan, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn nữa về lợi ích của việc sản xuất và sử dụng GKN trong các công trình xây dựng.

Cần được phổ biến, nhân rộng hiệu quả của Dự án

Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao nỗ lực của Dự án trong việc chuyển đổi từ ngành sản xuất gạch nung tiêu thụ nhiều năng lượng, sử dụng nhiều đất nông nghiệp, ảnh hướng đến sức khỏe của người dân sang sản xuất và sử dụng GKN.

GKN Thanh Phúc được tin dùng trên địa bàn Hải Phòng và các khu vực lân cận

Trong khuôn khổ Dự án, UNDP đã làm việc với Chính phủ, các cơ quan địa phương và khu vực tư nhân để giới thiệu, thúc đẩy sản xuất GKN ở Việt Nam. Với công nghệ sản xuất hiện nay, GKN càng ngày càng tốt hơn, cường lực tốt hơn, trọng lượng sản phẩm nhẹ hơn, giá rẻ hơn.

Bà Caitlin Wiesen nhận định: Việc sản xuất và sử dụng GKN mang lại lợi ích ở nhiều khía cạnh. GKN không sử dụng than nung đốt, tiêu tốn năng lượng và không phát thải khí CO2. Từ năm 2015 đến nay, dự án đã giảm phát thải 1,8 triệu tấn CO2 và đến năm 2020, ước tính giảm phát thải 4 triệu tấn CO2.

Hơn nữa, GKN không sử dụng đất nông nghiệp mà sử dụng tro xỉ, tro bay các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, từ đó góp phần giảm phát thải tro xỉ ra ngoài môi trường. Việc sản xuất và sử dụng GKN đem lại lợi ích cho cho người lao động và người sử dụng sản phẩm GKN.

Dự án góp phần tăng tỷ lệ của GKN trong tổng sản lượng gạch xây lên 28%. Tuy nhiên, thách thức của Dự án vẫn còn đó, trong đó bao gồm thay đổi thói quen, nhận thức của người tiêu dùng đối với GKN…

Trong định hướng tiếp theo, UNDP tiếp tục làm việc với các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ KH&CN, Bộ xây dựng để đóng góp vào nỗ lực giảm thiểu khí CO2 như tiết kiệm năng lượng trong ngành, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam…

Phó Giám đốc UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bà Valerie Cliff bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong việc thực thi chính sách về phát triển GKN.

Bà Valerie Cliff đồng thời đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ kỹ thuật của Dự án và nhận định: Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất GKN, các kết quả, bài học kinh nghiệm của Dự án cần được phổ biến, nhân rộng. UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Dự án thực hiện các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/du-an-tang-cuong-san-xuat-va-su-dung-gach-khong-nung-o-viet-nam-giam-phat-thai-18-trieu-tan-co2.html