Dự án số 8: Giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em

Năm nay, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021), Hội LHPN các cấp trên cả nước phấn khởi hơn, hối hả hơn bởi đây cũng là thời điểm bắt đầu triển khai Dự án số 8: 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em' - 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo ông Hà Việt Quân – Chánh Văn phòng Chương trình điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG): Đây là lần đầu tiên, Chương trình MTQG dành riêng một dự án về bình đẳng giới. Mặc dù quá trình phê duyệt, tổ chức đầu tư Chương trình gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” vẫn bảo vệ được nguồn vốn và nội dung như ban đầu đề xuất, với tổng nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.387,812 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương (giai đoạn 2026 - 2030; dự kiến 1.357,75 tỷ đồng).

Cần trao thêm nhiều cơ hội để phụ nữ mạnh mẽ vươn lên

Cần trao thêm nhiều cơ hội để phụ nữ mạnh mẽ vươn lên

Nguồn vốn này sẽ được tập trung để thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Thành lập, duy trì 9.000 tổ tuyên truyền cộng đồng; thành lập 6.750 tổ tiết kiệm vay vốn mới; 900 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ lãnh đạo hoặc các cơ sở sản xuất do phụ nữ làm chủ; 500 địa chỉ an toàn; 1.500 lượt nạn nhân mua bán người được trao trả, dạy nghề và giải quyết việc làm; tổ chức 1.200 cuộc đối thoại chính sách cấp thôn, bản; thành lập 1.800 Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trẻ em; tổ chức 2.000 phụ nữ DTTS tham quan học tập kinh nghiệm; thực hiện 4 gói chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em; 3 chương trình phát triển năng lực, lồng ghép giới; tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn về lồng ghép giới ở các cấp…

Sở dĩ Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” nhận được sự thống nhất, đồng tình cao của Quốc hội, Chính phủ là bởi vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc cho phụ nữ DTTS và trẻ em vùng DTTS đến nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, trẻ em trong cộng đồng được xác định là vấn đề quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Là một trong những tổ chức chính trị - xã hội hiếm hoi được trủ trì dự án, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tin tưởng: Dự án sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực ở vùng DTTS và miền núi.

Cũng theo Chủ tịch Hà Thị Nga, vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là vùng “Lõi nghèo” của cả nước, mặc dù giao thông đã được cải thiện, nhưng dân trí, điều kiện sống ở nhiều địa phương vẫn còn rất khó khăn. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Trước nay, mặc dù hội phụ nữ ở các địa phương hoạt động rất tích cực, nhưng chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động mà chưa có nguồn vốn để thực hiện. Với Dự án số 8 này, Hội LHPN Việt Nam sẽ có thêm nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để khắc phục những khó khăn đặt ra trong quá trình thực hiện dự án, bà Hà Thị Nga cho biết, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với UBDT, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thành tốt nhất các nội dung của dự án, vì hạnh phúc cho đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em DTTS. Đây cũng sẽ là những hành động cụ thể giúp Đảng và Nhà nước, thực hiện các cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có bình đẳng giới.

Với vai trò chủ trì chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chia sẻ về những khó khăn khi mà kinh nghiệm, lực lượng thực hiện hạn chế trong khi phạm vi triển khai chương trình rất rộng. Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho rằng: Cần phải triển khai dự án khẩn trương và hiệu quả nhất; cố gắng để người phụ nữ có cơ hội vươn lên làm chủ chính mình. Bởi phụ nữ giữ vai trò, vị trí đặc biệt trong gia đình, cũng như trong xã hội, chị em xứng đáng được ưu tiên nhiều hơn. Với vùng DTTS, phụ nữ càng cần được quan tâm hơn bởi họ đang là đối tượng yếu thế nhất.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-so-8-giai-quyet-nhung-van-de-cap-thiet-cua-phu-nu-va-tre-em-165410.html