Dự án Rạch Bà Tánh: Một thửa đất, hai sổ đỏ!

Nhiều hộ dân có đất tại Khu nhà ở Rạch Bà Tánh (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) nhiều năm qua phải sống trong lo âu vì miếng đất khai thiên lập địa của mình đã có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 1998, bỗng dưng trở thành tài sản của một doanh nghiệp bất động sản cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương tự. Chính vì sự bất nhất trách nhiệm và quản lý thiếu chặt chẽ của địa phương mà một miếng đất, 2 sổ đỏ này đã khiến hộ dân lẫn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…

Theo hồ sơ, thửa đất này có diện tích 9.739m2 nguồn gốc từ vợ chồng cụ Trần Văn Bảy và cụ Lương Thị Mùi sử dụng, thuộc thửa 58, 59 tờ bản đồ số 15 xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM. Vào ngày 27/11/1998, UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho hộ cụ Mùi phần đất trên.

Nhập nhằng!

Đến ngày 5/7/2010, cụ Bảy lập văn bản tặng diện tích đất trên cho con là ông Trần Văn Vân (SN 1974, ngụ xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè). Tiếp đó, ngày 16/7/2010, gia đình ông Vân lập giấy tay chuyển nhượng QSDĐ đất trên cho ông Trần Tấn Phát (SN 1973, ngụ quận 5, TP.HCM) với giá 10 tỷ đồng và nhận đặt cọc 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến khi ông Phát làm thủ tục sang tên thì mới tả hỏa khi biết rằng toàn bộ diện tích đất này đã được UBND TP.HCM ra Quyết định số 699/QĐ-UB ngày 24/2/2004 thu hồi và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc (Công ty Đại Phúc) thực hiện dự án Khu nhà ở Rạch Bà Tánh, nghĩa là đã hơn 6 năm mảnh đất này đã được thu hồi và giao cho một đơn vị khác kinh doanh. Sau đó Công ty Đại Phúc được cấp GCN QSDĐ nêu trên.

Chính sự việc này đã phát sinh ra việc một mảnh đất nhưng được cấp song song 2 sổ đỏ một mang tên cụ Lương Thị Mùi, một mang tên Công ty Đại Phúc (cũng như những hộ nhận chuyển nhượng lại các lô đất từ công ty này).

Theo hồ sơ giải quyết khiếu nại của ông Vân, các cơ quan chức năng cho rằng ngày 19/1/1996, vợ chồng cụ Bảy viết giấy tay nhận 30 lượng vàng và đồng ý cho ông Trần Công Năn toàn quyền sử dụng đất trên.

Tiếp đó ngày 19/11/1996, ông Năn viết biên nhận của ông Đỗ Đức Trung 2.500 USD tiền đặt cọc để chuyển nhượng phần đất (được cho là cụ Bảy chuyển nhượng cho ông Năn) với giá 45 lượng vàng. Theo ông Năn trình bày, ông có thỏa thuận với ông Trung để vợ chồng cụ Bảy lập giấy tờ chuyển QSDĐ đất trực tiếp cho ông Trung (đề ngày 18/11/1996).

Đến ngày 16/9/2003, ông Trung và Công ty Đại Phúc lập thỏa thuận với nội dung: Công ty đồng ý bồi hoàn giá trị quyền sử dụng đất (đất gốc của cụ Bảy nêu trên - PV) cho ông Trung với giá 2.937.900.000 đồng để làm dự án Khu nhà ở Rạch Bà Tánh.

Về phần cụ Bảy (và cả ông Vân) lại cho rằng không có việc sang nhượng đất giữa vợ chồng cụ với ông Năn và ông Trung!

Trong khi đó, việc kết luận giám định chữ ký trong “Đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất” đề ngày 18/11/1996 như đã nêu của cơ quan chức năng lại có sự bất nhất.

Cụ thể, tại bản kết luận giám định số 200/KLGĐ ngày 21/7/2004 của Tổ chức giám định KTHS Công an TP.HCM cho biết: Chữ viết họ tên “Trần Văn Bảy” cần giám định trên “Đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất” đề ngày 18/11/1996 với một số mẫu chữ viết có trong hồ sơ giám định “không do cùng một người viết ra”; đồng thời, chữ ký mang tên “Trần Văn Bảy” cần giám định trên “Đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất” đề ngày 18/11/1996 với các tài liệu có trong hồ sơ giám định là “do cùng một người ký ra”.

Trong khi đó, ngày 12/5/2017, Phân viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát) tại TP.HCM có văn bản số 55(DV)/C54B trả lời đơn trưng cầu giám định gửi ông Trương Văn Mười lại kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký mang tên Trần Văn Bảy dưới mục “Bên chuyển nhượng” trên “Đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất” đề ngày 18/11/1996, bên chuyển nhượng mang tên Trần Văn Bảy, Lương Thị Mùi, bên nhận đất mang tên Đỗ Đức Trung (bản photocopy - ký hiệu A) so với chữ ký mang tên Trần Văn Bảy trên 7 tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M7 là có phải chữ ký của cùng một người hay không”.

Phần đất đang khiếu nại tại dự án Rạch Bà Tánh, KDC Đại Phúc.

Công ty Đại Phúc kháng cáo!

Về phía ông Phát, do không làm được thủ tục sang tên nên ông đã khởi kiện ông Vân đến TAND huyện Bình Chánh, yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 23/2015/DS-ST ngày 9/3/2015, TAND huyện Bình Chánh đã quyết định không chấp nhận yêu cầu của ông Phát; hủy bỏ giấy mua bán đất và tài sản gắn liền với đất giữa gia đình ông Vân và ông Phát…

Đồng thời, bản án sơ thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Đại Phúc yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 7760/QĐ-UBND ngày 16/6/2014 của UBND huyện Bình Chánh (quyết định này thu hồi, hủy bỏ GCN QSDĐ do UBND huyện Bình Chánh cấp cho hộ cụ Mùi vào năm 1998).

Ngày 31/12/2015, TAND TP.HCM có Quyết định số 1669/2015/QĐ-PT về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án và hủy một phần bản án sơ thẩm phần nội dung: “Không chấp nhận yêu cầu độc lập của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc về việc yêu cầu hủy Quyết định số 13109/QĐ-UBND ngày 2/10/2014 của UBND huyện Bình Chánh”.

Sau đó ngày 20/9/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm quyết định trên.

Và ngày 22/12/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra Quyết định giám đốc thẩm số 76/2017/DS-GĐT. Quyết định này nêu rõ, trong các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Tòa án cấp phúc thẩm thu thập không có tài liệu nào thể hiện nguyên đơn là ông Phát và bị đơn là ông Vân có ý kiến đồng ý với việc rút yêu cầu độc lập của Công ty Đại Phúc nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn chấp nhận rút yêu cầu độc lập của công ty này để hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng với quy định.

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định chấp nhận quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM; hủy quyết định dân dự Phúc thẩm số 1669/2015/QĐ-PT của TAND TP.HCM và giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Báo Người Tiêu Dùng tiếp tục thông tin sự việc

Nhóm PV

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/du-an-rach-ba-tanh-mot-thua-dat-hai-so-do-d67123.html