Dự án phá nát đảo Hòn Tằm: Khôi phục ra sao?

Kết quả kiểm tra KDL đảo Hòn Tằm thể hiện chủ đầu tư đang phá nát hệ sinh thái biển nhưng chưa đưa ra được phương án khôi phục.

Ngày 21/4/2020, Sở TN&MT Khánh Hòa thông tin với Đất Việt, sau khi có kết quả kiểm tra dự án KDL đảo Hòn Tăm do Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang làm chủ đầu tư, đơn vị sẽ tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để khôi phục lại hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng bởi dự án này.

"Hiện chúng tôi đang tập trung xử lý sai phạm tại dự án KDL đảo Hòn Tằm theo quy định của pháp luật. Bước đầu là đình chỉ thi công dự án, đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Còn chuyện khôi phục hệ sinh thái biển sẽ được thực hiện sau" - thông tin từ Sở TN&MT Khánh Hòa cho biết.

Theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT Khánh Hòa tại KDL đảo Hòn Tằm cho thấy, chủ đầu tư đã tự ý san ủi mặt bằng hơn 2.721m2 tại khu vực Tây Nam đảo Hòn Tằm, trong đó có khoảng 2.321m2 đất nằm trong phần diện tích đất liền xin mở rộng; 228m2 đất nằm trong phần diện tích đất có mặt nước ven biển xin mở rộng và 172m2 đất nằm ngoài diện tích đất xin mở rộng dự án.

Toàn cảnh dự án KDL đảo Hòn Tằm đang phá nát hệ sinh thái biển Vịnh Nha Trang.

Toàn cảnh dự án KDL đảo Hòn Tằm đang phá nát hệ sinh thái biển Vịnh Nha Trang.

Dù chưa được cơ quan chức năng cho phép như Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang đã tự ý thi công.

Cũng theo Sở TN-MT Khánh Hòa, việc vi phạm pháp luật đất đai của chủ đầu tư bị xử lý vi phạm hành chính đối với 2 hành vi.

Một là, hành vi chiếm đất nông nghiệp tại khu vực đô thị với diện tích hơn 2.321 m2, mức xử phạt áp dụng bằng 2 lần mức xử phạt tương xứng theo quy định và do là tổ chức nên mức phạt tiền áp dụng xử phạt hành vi này là 110 triệu đồng, buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Hai là hành vi hủy hoại đất với diện tích hơn 400m2 (gồm 228,3m2 đất có mặt nước ven biển và 172m2 đất nằm ngoài ranh giới quy hoạch phê duyệt) theo quy định. Mức phạt tiền cho hành vi này là 7 triệu đồng và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, để đánh giá tác động môi trường, Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã tổ chức lặn kiểm tra đáy biển. Quá trình kiểm tra, ban quản lý phát hiện vùng mặt nước phía Tây Nam đảo (thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang đang triển khai hoạt động san lấp lấn biển cải tạo mặt bằng để xây dựng.

“Đất, đá trong quá trình san lấp làm dự án đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng. Một lượng bùn đất không nhỏ theo dòng chảy tràn ra các khu vực xung quanh có nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại khu vực vùng nước sát bờ phía Tây Nam đảo Hòn Tằm” - báo cáo của Ban quản lý Vịnh Nha Trang nêu.

TS Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đặc tính của loài san hô vốn được hình thành rất chậm, chục năm mới mọc ra được vài phân, muốn phục hồi lại được một rạn san hô bị ảnh hưởng phải mất ít nhất 50 năm mới. Kèm theo đó là khoản tiền không hể nhỏ.

Ông Bền cho biết: "Hiện tại có nhiều biện pháp để khôi phục rặng san hô. Tuy nhiên, dù áp dụng biện pháp gì đi nữa thì điều đầu tiên vẫn phải là dừng việc xây dựng, tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường sống của rạn san hô. Khi đó, bản thân vùng biển đó sẽ tự đào thải các độc tố, chất nguy hại và con người dùng các biện pháp xử lý ô nhiễm vùng biển.

Tuy nhiên, việc xử lý dưới đáy biển không dễ, chất ô nhiễm thường sẽ nằm trong hang hốc của san hô khiến công tác này gặp nhiều khó khăn".

TS Nguyễn Ngọc Sinh - Viện Tài nguyên và Môi trường Biển cũng cho rằng, san hô trên đào Hòn Tằm bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài sinh vật chứ không riêng gì san hô. Bởi san hô chính là "ngôi nhà" dưới biển của các loài sinh vật.

"Khi ngôi nhà bị ảnh hưởng thì các loại sinh vật khác cũng bị ảnh hưởng theo. Muốn khôi phục lại, thì chúng ta cần phải tái tạo ra những ngôi nhà mới cho các loài sinh vật.

Có thể làm các cấu kiện xi măng theo các hình dáng khác nhau của các rạn hoặc có thể là những con thuyền, tàu hỏng, sau đó thả xuống các rạn san hô chết. Cùng với nền cũ, một thời gian sau các ấu trùng san hô bám vào đâu thì các loài sinh vật sẽ chui vào đó để trú ngụ. Nhưng việc này chỉ được thực hiện khi mà môi trường sống ở khu vực đó không tiếp tục bị tác động tiêu cực. Nếu không, mọi việc làm đều trở lên vô nghĩa" - ông Sinh cho biết.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/khong-gian-song/du-an-pha-nat-dao-hon-tam-khoi-phuc-ra-sao-3400802/