Dự án nuôi bò 4.500 tỷ 'đổ bể': Trồng cỏ nuôi bò chỉ đạt năng suất 1/5 khi lập dự án

Liên quan đến sự 'đổ bể' của dự án chăn nuôi bò Bình Hà ở Hà Tĩnh, hiện công ty này đang xin trả hơn 1.000ha đất và xin điều chỉnh giảm quy mô đàn từ hơn 254.000 con/năm xuống còn 120.000 con/năm.

Hàng trăm ha đất dự án bỏ hoang tại Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên. Ảnh: PV

Chiều ngày 9/7, làm việc với PV, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Tĩnh - cho biết, ngày 6/7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh chủ trì cùng với sự tham gia của Sở NNPTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế Hà Tĩnh, UBND các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, các phòng chuyên môn của 2 huyện này cùng lãnh đạo 6 xã vùng dự án đã có một cuộc họp để nghe Công ty Bình Hà báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất và nêu giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Tại cuộc làm việc, phía Công ty Bình Hà báo cáo, qua 3 năm triển khai, bình quân quy mô nuôi của công ty mới đạt 15.000 con bò/năm. Con số này chỉ đạt 6% quy mô được chấp thuận chủ trương đầu tư là 254.200 con/năm. Hiện nay, công ty đang nuôi 1.140 con bò tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), trang trại tại xã Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) xuất bán chuyến bò cuối cùng vào tháng 9/2017, hiện đang bỏ trống chuồng trại. Toàn bộ 678ha trồng cỏ đã phá dỡ, cày xới đất chuyển qua trồng chuối (đến tháng 5/2018 đã trồng được 212ha chuối). Phía công ty cũng đã kiến nghị cho phép được trả lại hơn 1.000ha đất trong tổng số 2.163ha được cấp để thực hiện dự án vì trồng cỏ phục vụ nuôi bò không hiệu quả. Sản lượng cỏ mà công ty trồng thời gian qua chỉ đạt 20 tấn/ha (trong khi, bình thường sản lượng cỏ phải đạt 100 tấn/ha). Phía công ty cũng xin cho phép giảm quy mô nuôi từ 254.200 con bò/năm xuống còn 120.000 con/năm.

“Tại cuộc họp đó, sau khi Công ty Bình Hà nêu kiến nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã yêu cầu công ty cần phải nêu cụ thể sẽ trả đất ở vị trí nào, vì sao trả...” - ông Thanh thông tin; đâu là nguyên nhân khiến dự án chăn nuôi bò lớn nhất Hà Tĩnh kém hiệu quả, nếu không muốn nói là “đổ bể”, ông Thanh cho rằng, có nhiều yếu tố tổng hòa như việc tổ chức sản xuất thế nào, nguồn lực thực chất của công ty ra sao, việc phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng thế nào, rồi thị trường tiêu thụ thế nào...

Liên quan đến trách nhiệm trong việc thẩm định tính khả thi dự án của Sở NNPTNT, ông Thanh cho rằng, Sở NNPTNT Hà Tĩnh cũng đã tham gia thẩm định có trách nhiệm. “Nguyên tắc thẩm định là nhà đầu tư đưa ra phương án, sau đó cơ quan chức năng xem xét. Việc thẩm định là góp ý để dự án thực hiện cho tốt hơn. Quan trọng nhất là việc tổ chức sản xuất của doanh nghiệp sau đó được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư cũng đã khảo sát và thuê chuyên gia đánh giá tính khả thi của dự án. Ông Thanh cũng cho rằng, ban đầu dự án thí điểm quy mô nhỏ vẫn rất tốt, nhưng sau này mở rộng ra thì kém hiệu quả” - ông Thanh nêu quan điểm.

Thêm một bài học cho sự vội vã

Một cán bộ Hà Tĩnh đúc kết: Tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế triển khai vội vã, “đầu voi đuôi chuột”, thua lỗ, thất bại như: Dự án mía đường, trồng dâu nuôi tằm, trồng rau trên cát, mỏ sắt Thạch Khê và hiện nay là dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà. A.C

Theo Báo Lao Động

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/du-an-nuoi-bo-4500-ty-do-be-trong-co-nuoi-bo-chi-dat-nang-suat-15-khi-lap-du-an-3458941.html