Dự án Nhóm 4. 0 và chặng đường hỗ trợ văn học mạng tại Việt Nam

Hôm nay, ngày 20-11-2018 –Waka – Nền tảng xuất bản điện tử số 1 Việt Nam – chính thức kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Nhóm 4.0. Đây là dự án sáng tác theo mô hình nhóm đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng và triển khai với kỳ vọng tạo ra một sân chơi hỗ trợ các tác giả trẻ yên tâm phát triển sự nghiệp sáng tác của mình.

Dự án Nhóm 4. 0 của Nền tảng Xuất bản Điện tử Waka tiên phong mô hình sáng tác theo nhóm. Đây cũng có thể coi là tiền đề cho hình thức tự xuất bản tại Việt Nam.

Dự án Nhóm 4.0 được Waka khởi động cách đây 1 năm với 3 mục tiêu rõ ràng: Thứ nhất, các tác giả sẽ sáng tác theo nhóm thay vì làm việc đơn lẻ theo cảm hứng và bột phát như tình trạng bấy lâu nay của văn đàn Việt Nam. Khi mỗi cây viết là một mắt xích trong chuỗi giá trị hình thành nên tác phẩm, họ sẽ phải học cách cân bằng với nhau về văn phong, hợp tác với nhau về định hướng triển khai nội dung và bổ trợ cho nhau về tổng thể để mang lại sự hài hòa cho tác phẩm. Sự phối hợp nhịp nhàng của một “dây chuyền” sáng tác chuyên nghiệp sẽ là cơ sở để cho ra đời những tác phẩm lớn trong tương lai.

Thứ hai, Nhóm 4.0 nhắm vào thị trường văn học mạng, chuyên viết truyện dài kỳ và khai thác đa dạng các thể loại khác nhau. Đây là mảng tác phẩm có dung lượng thị trường lớn và thu hút được nhiều độc giả nhất.

Định hướng này yêu cầu các tác giả tham gia dự án phải có sức bền, hiểu biết rộng và khả năng biến tấu linh hoạt trong quá trình sáng tác. Điều đó giúp mở rộng, duy trì và phát triển tập độc giả trung thành của Nhóm – vốn là yếu tố sống còn của một đơn vị cung cấp nội dung.

Thứ ba, Nhóm 4.0 đào tạo các tác giả trẻ trở thành những tay viết chuyên nghiệp, làm việc chuyên nghiệp theo kế hoạch và theo nhóm. Sự va chạm, yêu cầu phải phối hợp và thích nghi với đồng nghiệp cũng như đòi hỏi phải đa dạng hóa văn phong, chủ đề khai thác sẽ giúp các tác giả trẻ mài giũa tài năng, tôi rèn ý chí và định hình rõ rệt niềm đam mê của mình.

Nhóm 4.0 nhắm vào thị trường văn học mạng, chuyên viết truyện dài kỳ và khai thác đa dạng các thể loại khác nhau. Đây là mảng tác phẩm có dung lượng thị trường lớn và thu hút được nhiều độc giả nhất.

Tại thời điểm “trưởng thành” của các tác giả trẻ, chính họ sẽ có thể tự đứng trên đôi chân của mình, không chỉ sáng tác những tác phẩm hấp dẫn, phù hợp với xu thế mà còn tự kinh doanh tác phẩm đó. Khi ấy, cùng với những yếu tố khác về mặt quy định pháp luật, hình thức tự xuất bản tại Việt Nam sẽ có cơ hội chính thức vận hành theo mô hình chuẩn như trên thế giới.

Tác giả Trương Thanh Thùy, Trưởng nhóm Nội dung của Nhóm 4.0 cho biết: “Mô hình sáng tác nhóm vốn đã có trên thế giới khá lâu rồi, nay Việt Nam mình mới có; chúng tôi lại là nhóm đi tiên phong nên gặp khá nhiều khó khăn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, các tác giả trẻ đến với nhóm này đều thừa "lửa", đủ ham muốn học hỏi... nên các bạn tiến bộ rất nhanh; và minh chứng rõ ràng nhất có thể thấy là ở các tác phẩm của nhóm.

Đến thời điểm hiện tại, chưa thể nói chúng tôi đã thành công; nhưng tôi dám cam đoan Nhóm 4.0 sẽ luôn giữ được tinh thần này và không ngừng học hỏi để cùng nhau tiến bộ. Tôi thật sự tự hào khi được là một thành viên trong nhóm đặt viên gạch đầu tiên cho con đường biến sáng tác văn chương thành một nghề nghiệp ổn định.”

1 năm qua, nhóm đã giới thiệu đến độc giả trong nước 5 tác phẩm

Trong 1 năm vừa qua, Nhóm đã giới thiệu đến độc giả Việt Nam 5 tác phẩm đầu tay, bao gồm: Không thể chạm vào em (viết về cộng đồng LGBT - đề tài khá gây tranh cãi ở Việt Nam), Nơi giấc mơ em thuộc về, Cái chết ảo, Kết giới (truyện giả sử, giả tưởng được viết theo dạng bộ lớn gồm nhiều tập) và Nàng Lọ Lem và chàng Hoàng Tử Béo. Các tác phẩm đều thu về số lượt đọc lên đến hàng trăm nghìn và nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-nhom-4-0-va-chang-duong-ho-tro-van-hoc-mang-tai-viet-nam-128046.html