Dự án nhiệt điện Công Thanh: Hơn thập kỷ chậm tiến độ, Thanh Hóa muốn xét lại 'tính khả thi'

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh kéo dài hơn 11 năm nay, không bảo đảm tiến độ theo điều chỉnh quy hoạch. Do đó, tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực xem xét đánh giá tính khả thi của dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương (Ảnh báo Thanh Hóa)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công Thương (Ảnh báo Thanh Hóa)

Đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc rà soát tiến độ một số dự án điện lực trên địa bàn tỉnh và tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi làm việc, Sở Công Thương thông tin trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 15 dự án điện đi vào hoạt động với tổng công suất 1.275MW, trong đó có 10 nhà máy thủy điện đi vào vận hành với tổng công suất 597,4MW, 1 nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động với công suất 600MW, 1 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với công suất 30MW, 3 nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động với tổng công suất 47,7MW. Sản lượng điện sản suất 8 tháng năm 2019 đạt 3,94 tỷ kWh, tăng 13% so với cùng kỳ.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn 6 dự án nguồn điện đang thực hiện đầu tư xây dựng gồm: 3 dự án thủy điện (Hồi Xuân công suất 102MW, Trung Xuân công suất 10,5MW, Sông Âm công suất 12MW); 2 dự án nhiệt điện gồm (nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 công suất 1200MW, nhiệt điện Công Thanh công suất 600MW), 1 dự án điện mặt trời (Kiên Thọ, công suất 45MW).

Các dự án nguồn điện đã được Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch điện lực gồm 9 dự án, trong đó 8 dự án thủy điện với tổng công suất 78,5MW và 1 dự án điện mặt trời công suất 160MW.

Các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo đang được các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là 5 dự án (4 dự án điện mặt trời: Đồng Thịnh - Ngọc Lặc, Cẩm Thủy 1, Yên Định mở rộng, Công Bình; 1 dự án điện sinh khối nhà máy đốt chất thải rắn phát điện phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn, hiện tiến độ triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh còn chậm và mong muốn Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án.

Về phía địa phương, Phó chủ tịch tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết sức cùng các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và hoàn tất các phần việc như giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ đề ra.

Bà Lê Thị Thìn cũng kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm bố trí nguồn vốn để đầu tư hệ thống lưới điện cho 45 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia tại Thanh Hóa.

Đối với nhà máy nhiệt điện Công Thanh, Phó chủ tịch tỉnh cho biết dự án này kéo dài hơn 11 năm. Theo tình hình thực tế hiện nay thì dự án này không bảo đảm tiến độ theo điều chỉnh quy hoạch.

Bà Thìn đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực xem xét đánh giá tính khả thi của dự án.

Nhà máy nhiệt điện Công Thanh khởi công vào ngày 5/3/2011.

Theo tìm hiểu, nhà máy nhiệt điện Công Thanh thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa do Công ty Cổ phần nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm tại công văn số 1694/UBND-TH ngày 23/4/2008.

Dự án này có tổng mức đầu tư 21.691 tỷ đồng (20% vốn chủ đầu tư, 80% vốn vay tín dụng nước ngoài do nhà nước bảo lãnh).

Đến nay, dự án đã hoàn thành san nền nhà máy chính (64ha), khu hậu cần cảng than nhà máy (22,5ha); hoàn thành một số phương án đền bù giải tỏa mặt bằng trên tuyến đường hành lang; triển khai tuyến đường dây 500 kV nối lưới nhà máy; hoàn thành thỏa thuận đấu nối, SCADA/EMS. Hợp đồng mua bán điện đang trình Tập đoàn Điện lực Việt Nam thẩm định phê duyệt. Chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn tổng thầu EPC.

Theo dự kiến, quý I/2022 chủ đầu tư sẽ xây dựng dựng xong nhà máy, đồng nghĩa với việc tiếp tục chậm tiến độ 2 năm 6 tháng so với quy hoạch.

Tại dự án này, vướng mắc lớn nhất là một số hộ dân không hợp tác trong việc đền bù giải tỏa mặt bằng khu cảng than nhà máy. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2668/BCT ngày 18/4/2019 về việc không cam kết mua hết sản lượng phát điện, do đó việc vay vốn cho dự án gặp khó khăn.

Lệ Chi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/du-an-nhiet-dien-cong-thanh-hon-thap-ky-cham-tien-do-thanh-hoa-muon-xet-lai-tinh-kha-thi-20180504224228769.htm