Dự án nghìn tỉ bị 'đắp chiếu': 'Thỏa thuận khung' bị vô hiệu ?

Từ đầu tháng 1.2019, Lao Động đăng loạt bài về vụ tranh chấp tại dự án do Cty CP địa ốc Hồng Phát (Cty HP) làm chủ đầu tư. Vì chọn nhầm đối tác, Cty HP hiện đang vướng vào vụ tranh chấp chưa có lối thoát.

Hình ảnh lễ giới thiệu dự án của Cty Hồng Phát năm 2007. Ảnh: M.Tường.

“Thỏa thuận khung” vô hiệu

“Thỏa thuận khung” được Cty HP và China Policy Limited (CPL) ký ngày 1.6.2007, là pháp lý để CPL yêu cầu phong tỏa 13 giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ) do Cty HP đứng tên.

Tuy nhiên, công văn số 864/TCQLĐĐ-CSPC ngày 16.5.2018 của Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TNMT), khẳng định: Thời điểm ký kết “thỏa thuận khung” với CPL, Cty HP chưa có quyền (vì chưa có đủ điều kiện) để góp vốn bằng QSDĐ của dự án để hợp tác, thành lập Cty liên doanh thực hiện dự án với CPL.

Do đó, “thỏa thuận khung” với nội dung Cty HP góp vốn bằng giá trị QSDĐ vào Cty liên doanh để thực hiện dự án là trái với quy định tại khoản 1, điều 106 - Luật Đất đai năm 2003. Căn cứ quy định tại điều 122, 128 - Bộ luật Dân sự năm 2005, thì: “Thỏa thuận khung” giữa CPL và HP ký kết ngày 1.6.2007 là giao dịch vô hiệu”.

Một góc hiện trường dự án. Ảnh: V.C

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP HCM)- cho rằng: “Thỏa thuận khung” chưa có hiệu lực pháp lý theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005. Nó chỉ là thỏa thuận ghi nhận về việc hợp tác kinh doanh giữa CPL và HP.

Theo khoản 9, điều 55 - Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bên VN và bên nước ngoài có hiệu lực kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Tại văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7.11.2018 của Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, hiện CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại VN”.

Theo luật sư Lễ, thời điểm Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) phân xử (năm 2010) và đến nay (năm 2018), “thỏa thuận khung” vẫn chưa có hiệu lực. Bởi CPL và việc hợp tác với HP, chưa được đăng ký và chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại VN.

Phán quyết của VIAC khó thực thi

Cũng theo ông Lễ, khi tiến hành tố tụng trọng tài, VIAC lại chưa xem xét, đánh giá tính pháp lý của “thỏa thuận khung”, đưa ra phán quyết yêu cầu HP và CPL tiếp tục thực hiện “thỏa thuận khung” - một giao dịch vô hiệu.

Tại thời điểm tố tụng trọng tài, bất đồng về thực hiện dự án của HP và CPL đã lớn. Hai bên không tìm được tiếng nói chung để thành lập Cty liên doanh.

Trong khi đó, việc ký liên doanh phải xuất phát từ ý chí tự nguyện của 2 bên, không cơ quan, tổ chức nào (bao gồm cả cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan đăng ký đầu tư, kinh doanh) có thể làm thay 2 đương sự được.

Dự án Hồng Phát đang bị “đắp chiếu“. Ảnh: V.C

"Từ đó, cho thấy phán quyết của VIAC là chưa đúng với quy định của hệ thống pháp luật đầu tư, khó có thể thi hành trên thực tế. Nhưng phán quyết đó đã và đang được đưa ra thi hành, làm khó không chỉ Cục thi hành án dân sự, mà cả chính quyền tỉnh Long An.

Theo Bộ KH-ĐT, tại văn bản số 2463/BKHĐT-PC ngày 17.4.2018, việc CPL chuyển tiền cho HP để hợp tác và sử dụng cho hoạt động đầu tư, mà chưa thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thì chưa có cơ sở xác định việc chuyển vốn này là hoạt động đầu tư vào dự án đầu tư, với tư cách nhà đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư.

Vì vậy, việc chuyển vốn này chỉ là giao dịch dân sự giữa CPL và HP và được giải quyết theo thủ tục dân sự nếu có tranh chấp xảy ra, không thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại."

HOÀNG HƯNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/bat-dong-san/du-an-nghin-ti-bi-dap-chieu-thoa-thuan-khung-bi-vo-hieu--652245.ldo