Dự án nghi lấn sông Hàn: Đừng để tác động xấu đến môi trường đầu tư

Đây là ý kiến đáng lưu ý của các chuyên gia trong hội nghị phản biện xã hội dự án Marina Complex nghi lấn sông Hàn mà trước đó Thế Giới Tiếp Thị nhiều lần phản ánh.

Nên dừng hay tiếp tục dự án?

Ngày 7/5, hội nghị phản biện xã hội dự án Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) khá nóng khi có nhiều ý kiến trái chiều về việc nên để chủ đầu tư tiếp tục hay dừng vì nghi lấn sông Hàn. Đại diện chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đã hoàn tất đầy đủ tính chất pháp lý như đánh giá tác động môi trường, đóng thuế đất, giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng… Công ty cho triển khai dự án suốt nhiều năm, đến nay, bất ngờ UBND TP Đà Nẵng yêu cầu dừng để kiểm tra khiến công ty thiệt hại rất nhiều.

 Tiến sĩ Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Tiến sĩ Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng

Tại hội nghị, 3 chuyên gia về thủy lợi được mời phát biểu là Tiến sĩ Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; GS.TS Phạm Thị Hương Lan, Trường Đại học Thủy lợi và PGS.TS Lê Song Giang, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đều có cùng đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình là không lớn. Cả 3 vị này đều cùng lấy 3 trận lũ 1999, 2009 và 2013 để mô phỏng, đánh giá. Từ đó, họ cùng đánh giá, không có nhiều thay đổi đáng kể về thủy lợi trước và sau khi có dự án.

Ngược lại, ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN TP Đà Nẵng khẳng định không nên để dự án lấn sông Hàn được triển khai. Nguyên nhân được ông này đưa ra là vì làm mất mỹ quan đô thị, cản trở dòng chảy…

Ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN TP Đà Nẵng

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Đà Nẵng lại cho rằng, nói dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn là không thỏa đáng. Quy hoạch đã sai ngay từ định hướng, nên đã phải điều chỉnh đến 4 lần theo hướng tốt hơn. Cũng theo vị này, dư luận phản ứng vì dự án làm thu hẹp dòng sông từ 60 đến 100m, hình dáng tam giác gây ức chế về thị giác, tạo cảnh quan xấu cho dòng sông Hàn.

“Tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể, trong đó cân bằng lợi ích chính đáng của nhà đầu tư”, vị kiến trúc sư nói.

Bên cạnh đó, KST Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, về mặt pháp lý, quy hoạch chung của TP Đà Nẵng được phê duyệt từ 2003 không có các dự án lấn sông. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến 2013, theo phê duyệt quy hoạch chung của thành phố thì có nhiều dự án lấn sông. Ông đề nghị nên thuê tư vấn có đủ kinh nghiệm để cập nhật toàn bộ số liệu đầu vào cho chính xác. Về phía chủ đầu tư, TP Đà Nẵng phải chấp nhận sửa sai, đền bù cho doanh nghiệp.

Phải giữ môi trường đầu tư

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề: Nếu trong quá trình phản biện mà kết luận không cho các dự án này triển khai thì có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không? Có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, của TP Đà Nẵng với tư cách trọng điểm, đầu tàu miền Trung hay không? Trong trường hợp, các dự án ven sông Hàn đều bị “hồi tố” thì TP Đà Nẵng sẽ đối mặt nhiều rủi ro và chưa thực sự vì sự phát triển.

Dự án bị nghi lấn sông Hàn.

“Chính quyền thành phố cần có thái độ nghiêm túc. Doanh nghiệp là lực lượng thúc đẩy cho sự phát triển. Chính quyền Đà Nẵng cần phải có ứng xử sớm. Đề nghị phải nhìn nhà đầu tư như một cơ hội để phát triển”, ông Thiên nói.

Ngoài ra, ông Thiên cũng nói thêm: “Đề nghị TP Đà Nẵng xử lý làm sao trên tinh thần để giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai”.

Lắng nghe hết tất cả các ý kiến, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dự án Marina Complex có trong quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2015. Đến nay, dự án này đã hoàn thành đánh giá tác động môi trường, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và quy hoạch chi tiết, có giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án này đã được điều chỉnh nhiều lần theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, trước kiến nghị của người dân, giới khoa học, UBND TP Đà Nẵng thận trọng nên yêu cầu tạm dừng thi công để rà soát.

Cũng theo ông Dũng, các hình ảnh quá trình phát triển dự án tại khu vực này cho thấy, trước đây là hiện trạng phần đất xây dựng các cơ sở sản xuất thủy hải sản, khu nhà tạm để tái định cư làng chài Nại Hiện Đông. Các dự án đã được điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô dự án, hệ số sử dụng đất, tăng diện tích cây xanh…

Ông Dũng khẳng định, trong thời gian tới, UBND TP Đà Nẵng sẽ cùng các nhà đầu tư nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên, cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/du-an-nghi-lan-song-han-dung-de-tac-dong-xau-den-moi-truong-dau-tu-163049.html