Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc: Thiếu hay thừa tiền?

Sau khi báo CCB Việt Nam đăng bài “Những sai phạm nghiêm trọng của Vinaconex bao giờ được xử lý?”, nhiều CCB, bạn đoc đã gửi thư và gọi điện đến Tòa soạn bày tỏ sự bức xúc. Từ số báo này, Báo CCB Việt Nam đăng tiếp về một loạt sai phạm khác tại Vinaconex và các Cty thành viên.

>> Những vi phạm nghiêm trọng của Vinaconex bao giờ được xử lý? Ngày 20/3/2005, tại một địa điểm nằm bên đường Láng - Hòa Lạc đã diễn ra buổi lễ hoành tráng động thổ khởi công DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Tới dự có các nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo Hà Nội và Hà Tây (cũ). Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành sau 30 tháng thi công. Nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân Hà Nội, Hà Tây (cũ) vô cùng phấn khởi vì chỉ 30 tháng nữa thôi phía tây bắc Hà Nội sẽ có một con đường hiện đại chiếu rộng mặt cắt tới 140m với vận tốc tối thiểu 100 km/h. Đây còn là một công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long nên chất lượng và tiến độ của công trình còn bao hàm nhiều ý nghĩa thiêng liêng khác. Thế nhưng đến nay công trình đã qua 51 tháng thi công, chậm tiến độ 21 tháng mà khối lượng công việc mới chỉ đạt khoảng 70%. Với tốc độ thi công “rùa bò” như vậy chắc gì sau 60 tháng thi công (chậm tiến độ 30 tháng nghĩa là gấp đôi thời gian dự kiến ban đầu) công trình sẽ hoàn thành? Báo Lao động số 106 ngày 16/5/2009 đưa tin: “Ngày 15/5, BQLDA Thăng Long cho biết để đẩy nhanh tiến độ DA đường Láng - Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc bổ sung kinh phí tạm cư (do chưa kịp bố trí nhà tái định cư) cho các hộ dân thuộc diện phải di dời tại nút giao thông đường Láng - Hòa Lạc QL21 vào chi phí giải phóng mặt bằng của DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc”. Báo CAND ra ngày 28/5/2009, tác giả Khánh Chi cho biết: “Chính phủ vừa bổ sung gần 4.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ đường Láng - Hòa Lạc, nâng mức đầu tư lên 7.500 tỷ đồng”. Qua những thông tin trên chúng ta dễ dàng rút ra kết luận: DA mở rộng, hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc chậm tiến độ vì nguyên nhân chính là thiếu tiền. Để đẩy nhanh tiến độ chỉ có cách duy nhất là Nhà nước phải cấp thêm một khoản kinh phí khổng lồ gần 4.000 tỷ đồng. Vậy bản chất của sự việc nằm ở đâu? Khi tiến hành thực hiện DA này lấy nguồn vốn từ đâu? Khi thực hiện DA nhà đầu tư kêu thiếu tiền và Nhà nước lại cấp bổ sung, việc làm đó đúng hay sai? Để làm rõ những vấn đề hóc búa đó, chúng ta hãy trở lại xem xét kỹ quá trình triển khaiDA, xem xét kỹ những quyết định của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan về DA này. Ngày 11/7/2003, Bộ GTVT ban hành quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT (số 2013/QĐ-BGTVT) về việc: Đầu tư DA mở rộng hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức sử dụng quỹ đất tại vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong QĐ số 2013, sau khi viện dẫn nhiều căn cứ để đưa đến việc Bộ trưởng Bộ GTVT ký quyết định này, có việc: “Xét văn bản số 02520 VC/BQL-HL ngày 9/7/2003 của TCty XNK xây dựng VN về việc cam kết ứng vốn đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng của DA”, về tổng mức đầu tư của DA, trong QĐ 2013 tạm tính 3.733 tỷ 207 triệu đồng; bao gồm chi phí xây lắp 2.126 tỷ 480 triệu đồng (gồm đền bù GPMB 1.093 tỷ 373 triệu đồng; dự phòng 339 tỷ 338 triệu đồng; về nguồn vốn của DA, QĐ 2013 ghi rõ: “Nguồn vốn được huy động từ kinh phí thu được qua DA đổi đất lấy hạ tầng do Tcty XNK xây dựng VN thực hiện - yêu cầu Vinaconex khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 2, văn bản số 828/CP-CN ngày 18/6/2003”. Ngày 17/12/2003, Chính phủ có văn bản số 1726/CP-NN về việc: Triển khai DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thay Thủ tướng. Điều 1 của văn bản này viết: “Chấp thuận đề nghị của Bộ GTVT tại công văn số 4741/CV-BGTVT ngày 17/10/2003 về tổ chức thực hiện DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc bằng phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”. Điều 2 của văn bản 4741 viết: “Uy quyền UBND tỉnh Hà Tây và UBND TP Hà Nội… ra quyết định thu hồi và tạm giao cho TCty XNK xây dựng VN 568 ha đất (trong đó tỉnh Hà Tây 427 ha, TP Hà Nội 141 ha…”. Qua những vănb ản quyết định nêu trên, chúng ta thấy rõ hai điều cơ bản nhất khi thực hiện DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc là: 1. Đây là một DA lớn nhưng không qua đấu thầu. 2. Nguồn vốn của DA là 568 ha đất tại khu đô thị mới Bắc An Khánh giao cho nhà đầu tư là Tcty XNK xây dựng bằng phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Như vậy nguồn vốn của DA này đã rõ. Vinaconex đã nhận 568 ha đất ở KĐT mới Bắc An Khánh, họ phải có trách nhiệm đầu tư toàn bộ tài chính để hoàn thành DA theo đúng những cam kết bằng văn bản của họ và theo đúng quyết định của Chính phủ tại các văn bản số 828/CP-CN ngày 18/6/2003 và văn bản số 1726/CP-NN ngày 17/12/2003, chủ đầu tư Vinaconex không có một lý do gì đòi hỏi Nhà nước cấp thêm nguồn vốn với số tiền khổng lồ gần 4.000 tỷ đồng! Trở lại KĐT mới Bắc An Khánh, với diện tích 568 ha, Vinaconex đã làm gì và làm như thế nào để tạo nguồn tài chính thực hiện DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Sau khi có trong tay một quỹ đất khổng lồ nằm ở một vị trí cực kỳ hấp dẫn với các nhà đầu tư, họ đã không khó để tìm các nhà đầu tư khác ký “Hợp đồng liên doanh” để cùng khai thác hưởng lợi trên KĐT mới này. Ngày 24/7/2006, Thủ tướng Chính phủ có QĐ số 1149/TTg-QHCT về việc: Chủ trương hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài thực hiện DA mở rộng đường Láng - Hòa Lạc và KĐT mới Bắc An Khánh. Điều 1 của QĐ 1149 viết: “… Chấp thuậnv ề chủ trương Tcty Vinaconex hợp tác đầu tư với Cty Posco E&C (Hàn Quốc) để thực hiện các DA mở rộng và hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc và KĐT mới Bắc An Khánh. Không đầy 1 tháng sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/8/2006, TGĐ Tcty XNK xây dựng VN Nguyễn Văn Tuân đã ký “Hợp đồng liên doanh” với ông Soo Yang Han, Giám đốc điều hành của tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc). Điểm 1, Điều 6 trong Hợp đồng liên doanh viết: Vốn đầu tư 211.966.672 USD (hai trăm mười một triệu, chín trăm sáu sáu ngàn, sáu trăm bảy hai đô-la Mỹ). Vốn điều lệ: 42.500.000 USD (bốn mươi hai triệu, năm trăm ngàn đô-la Mỹ). Mỗi bên góp vốn điều lệ 50/50. Điểm 4, điều 6 ghi rõ: “Quyền sử dụng đất của Cty đối với khu đất sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp cho Cty để đền bù cho việc thực hiện DA đường Láng - Hòa Lạc của Liên doanh Tổng thầu, do đó Cty sẽ tài trợ tài chính cho việc thực hiện DA xây dựng đường cao tốc Láng - Hòa Lạc của Liên doanh Tổng thầu. Số tiền tài trợ đó sẽ tương đương với giá trị quyền sử dụng đất phải trả cho quỹ đất…” Ngày 11/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ số 1976/TTg-QHQT chuẩn y việc thành lập liên doanh của Vinaconex với một đối tác Hàn Quốc. Tiêu đề của QĐ 1976 về việc: “DA thành lập Cty liên doanh KĐT mới Bắc An Khánh - Hà Tây”. QĐ 1976 viết: “… Cho phép Liên doanh Tổng thầu DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc Vinaconex - Posco E&C được tiếp tục thực hiện phương thức “sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng để liên doanh khai tác KĐT mới Bắc An Khánh, tỉnh Hà Tây”. Điều 1, quyết định viết: “Cho phép liên doanh nêu trên thành lập DN Liên doanh đầu tư xây dựng KĐT Bắc An Khánh để khai thác quỹ đất thanh toán cho DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc”. Như vậy là chủ đầu tư DA mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc Vinaconex đã có đủ đất, đủ đối tác liên doanh, có đủ thủ tục pháp lý cao nhất do Thủ tướng Chính phủ ký. Trong hợp đồng liên doanh đã cam kết rõ: “Cty sẽ tài trợ chính cho việc thực hiện DA xây dựng đường cao tốc Láng - Hòa Lạc của Liên doanh Tổng thầu”; nên chủ đầu tư không thể la làng vì thiếu vốn nên công trình sẽ chậm tiến độ để ép Nhà nước cấp thêm một số tiền khổng lồ gần 4.000 tỷ đồng. Chỉ có điều cần làm rõ là: Với quỹ đất 568 ha tại KĐT mới Bắc An Khánh, Vinaconex thiếu hay thừa tiền đề đầu tư cho DA này? Chúng ta biết rằng hai bên đường Láng - Hòa Lạc rất nhiều nhà đầu tư nhanh mắt, khéo tay kiếm được các DA làm khu du lịch sinh thái, nhà vườn, biệt thự. Có nhà đầu tư cận kề với KĐT mới Bắc An Khánh đã bán đất nền nhà vườn biệt thự với giá từ 18-20 triệu đồng/m2. Tại KĐT mới Bắc An Khánh, bằng hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng 568 ha = 5.680.000 m2; nếu chỉ tính giá trung bình 10 triệu đồng/m2 thì Vinaconex có một số tiền là 56 ngàn 800 tỷ đồng. Với số tiền khổng lồ đó, có thể làm được 15 con đường với chiều dài, chiều rộng và các yêu cầu kỹ thuật tương đương đường Láng - Hòa Lạc mở rộng mà họ đang thi công. Chúng ta thử làm phép tính đơn giản: Với 56 ngàn 800 tỷ đồng mà Vinaconex thu được trong DA này bằng tờ tiền 500 ngàn đồng (1 tờ 500 ngàn đồng của Việt Nam có chiều dài 15 cm), thì tổng số chiều dài của số tiền 56 ngàn 800 tỷ đồng này nối lại (1 tỷ = 2.000 tờ) là 170.400 km, gấp hơn 4 lần chiều dài đường xích đạo vòng quanh trái đất, gấp một trăm lần chiều dài của đất nước ta từ Hữu Nghị quan đến mũi Cà Mau, gấp 5.680 lần chiều dài đường Láng - Hòa Lạc! Có làm phép tính đơn giản như trên, chúng ta mới thực sự bàng hoàng sửng sốt với số tiền mà Vinaconex thu được khi thực hiện DA này. Qua những phân tích và chứng minh trên đây, người viết bài báo này (và có thể tất cả bạn đọc khi đọc bài báo này), tha thiết đề nghị các nhà chức trách hãy ngàn lần thận trọng khi quyết định thực hiện những DA bằng phương thức đổi đất lấy công trình. Bởi vì DA mở rộng hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, chỉ với 568 ha đất mà chúng ta đã mất một số tiền khủng khiếp như vậy. Còn muôn vàn DA như đảo Tuần Châu, 2 đô thị mới ở Hải Dương, các KĐT ở Nam Định, Thái Bình… Chúng ta đã mất nhiều ngàn héc-ta đất. Gần đây nhất là siêu DA đường trục phát triển KT-XH Bắc Nam, tỉnh Hà Tây có chiều dài 64 km và KĐT mới Hà Tây Xanh do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư với diện tích đất đổi cơ sở hạ tầng lên tới gần 64 km2 (nhà đầu tư được sử dụng một diện tích đất bằng chiều dài của con đường và chiều rộng mỗi bên 500m tính từ mép đường). Không thể vì bất cứ lý do gì mà chúng ta lại phung phí công thổ quốc gia để làm giàu cho một số người, một số nhóm người (kể cả một số cá nhân và tổ chức nước ngoài); trong khi hàng ngàn, hàng vạn hộ nông dân mất đất canh tác lâm vào cảnh bần cùng. (Theo Báo Cựu chiến binh VN)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/25/25/25/36287/default.aspx