Dự án Luật tố cáo (sửa đổi): Loại bỏ trách nhiệm của người đã nghỉ hưu là không thuyết phục

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - tỉnh Nghệ An đã khẳng định như vậy tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 23/11.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - tỉnh Nghệ An

Ngay khi thảo luận, đại biểu Cầu khẳng định, Dự án Luật tố cáo được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, mặc dù Ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa nhiều nội dung nhưng vẫn chưa ổn. Cụ thể, để bảo vệ an toàn cho người tố cáo, Ban soạn thảo đã thiết kế mới Khoản 1, Điều 10 quy định, người bị tố cáo được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng. “Tôi đồng tình theo quy định này của Ban soạn thảo, nhưng theo tôi biện pháp bảo vệ ấy chưa đủ, cần cân nhắc tăng thêm biện pháp bảo vệ. Khi có cơ chế bảo vệ cho người bị tố cáo rồi thì người tố cáo cũng phải được đối xử một cách bình đẳng. Xét dưới góc độ xã hội, tố cáo có chiều hướng tích cực trong đấu tranh chống lại cái xấu, tiêu cực, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chính quyền nhà nước”. - đại biểu Cầu nói.

Liên quan đến vấn đề có nên giải quyết tố cáo của cán bộ công chức viên chức đã nghỉ hưu hay không, theo đại biểu Cầu rất nên vì 3 lý do.

Thứ nhất, trong thực tiễn xảy ra nhiều câu chuyện buồn khi một số cán bộ lãnh đạo cận kề thời điểm nghỉ hưu đã không vượt được qua sự cám dỗ làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng Nhà nước.

“Báo chí đã có nhiều thuật ngữ rất hay rất đúng đó là “hội chứng nhiệm kỳ cuối” “chuyến tàu vét cuối cùng” “ga cuối cùng” để phản ánh thực trạng đáng buồn đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao thực tiễn có vấn đề pháp luật lại không điều chế” - đại biểu Cầu nói.

Thứ hai, Khoản 6, Điều 4 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định nguyên tắc xử lý tham nhũng là người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn bị xử lý hành vi tham nhũng do việc đã thực hiện. Hiện nay Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) Quốc hội đang thảo luận tại Điều 112 cũng xác lập nguyên tắc này, không lẽ bây giờ Quốc hội lại để hai Luật vênh nhau.

Thứ ba, thực tế gần đây nhân dân cả nước rất phẫn khởi, tin tưởng và đồng thuận cao khi Đảng Nhà nước xử lý nghiêm sai phạm của một số quan chức đã nghỉ hưu. Việc xử lý như vậy có tác dụng dăn đe phòng ngừa rất lớn được xã hội đồng thuận cao. Đó là những căn cứ rất thuyết phục. “Việc Ban soạn thảo cho rằng trong luật, cán bộ công chức viên chức không quy định cán bộ nghỉ hưu để loại bỏ trách nhiệm của người đã nghỉ hưu là không thuyết phục. Quốc hội sẽ sửa đổi dự Luật này vì nó đã trên 10 năm không còn phù hợp với thực tiễn” - đại biểu Cầu nhìn nhận.

Đối với hình thức tố cáo qua điện thoại, Fax, thư điện tử, đại biểu Cầu chia sẻ, tố cáo theo Khoản 1, Điều 65 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định, cơ quan tổ chức, các cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử, các hình thức tố cáo khác đều theo quy đinh của pháp luật. “Không lẽ bây giờ Quốc hội lại bỏ vấn đề này?” - đại biểu Cầu thắc mắc.

Đại biểu Cầu dẫn chứng thêm, Ban soan thảo thiết kế một điều Luật mới đó là Điều 22 trong dự thảo lần này thì xin lưu ý, đơn tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử đã khẳng định thừa nhận có cách để giải quyết… Từ phân tích trên Ban soạn thảo nên chỉnh sửa Khoản 1, Điều 19 là việc tố cáo được thực hiện bằng đơn, trực tiếp hoặc bằng hình thức khác.

Đối với quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, trong Bộ Luật tố tụng hình sự Luật khiếu nại quy định, người giải quyết tố cáo được triệu tập người khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên trong dự án Luật tố cáo (sửa đổi) không thấy quy định. “Trong thực tế khi giải quyết tố cáo, tôi đã gặp trường hợp 3 lần mời nhưng người tố cáo không có mặt. Đến kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội người này đã đứng lên nói rằng tại sao không giải quyết trả lời? Tôi trả lời đã gửi cho chị 3 làn giấy mời và một lần liên hệ bằng điện thoại nhưng chị không hợp tác. Chị ấy nói rằng “trong giấy mời ghi trân trọng kính mời tôi mới lên. Không trân trọng kính mời tôi không lên”. Đó là một thực tế, lần này tôi đề nghị trong Luật này phải ghi rõ chúng ta sử dụng triệu tập hay là giấy mời người tố cáo. Đồng thời tại Điều 20 bổ sung trường hợp người tố cáo không hợp tác, không có lý do chính đáng thì đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Theo đó Điều 33 Luật này tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 2 là đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 20 của Luật này để đảm bảo khái quát hết các trường hợp bắt buộc phải đình chỉ việc giải quyết. Đây là điểm dừng rất cần thiết trong Luật này” - đại biểu Cầu khẳng định.

Thứ tư, trong Luật tố tụng hình sự khi giải quyết tố cáo, người ta chỉ giải quyết một lần còn trong khiếu nại tố tụng hình sự chỉ giải quyết theo 2 cấp. Vì vậy điểm dừng trong Luật giải quyết tố cáo giới hạn giải quyết 2 lần như dự thảo là hợp lý, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu có tham luận là có nên sử dụng thời hiệu để giải quyết tố cáo hay không? Đại biểu Cầu cho rằng nên quy định thời hiệu giải quyết tại Điều 27. “Chúng ta không quy định thời hiệu tố cáo khi giải quyết thời gian sẽ lâu, việc xác minh sẽ rất khó khăn mất nhiều thời gian tốn kém công sức. Mặt khác Luật tố tụng hình sự quy định nhiều hành vi rất nghiêm trọng nhưng có quy định về thời hạn giải quyết tố cáo chứ không phải như Ban soạn thảo đã lập luận trong trang 5 của báo cáo thẩm tra. Vì vậy tôi đề nghị quy định thời hạn giải quyết là hoàn toàn hợp lý” - đại biểu Cầu cho biết.

Nguyễn Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-an-luat-to-cao-sua-doi-loai-bo-trach-nhiem-cua-nguoi-da-nghi-huu-la-khong-thuyet-phuc-120700.html