Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Trình Quốc hội 2 phương án về tên gọi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định dự thảo Luật, tiếp tục đưa ra 2 phương án về tên gọi của Luật để Quốc hội thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa thông báo kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 33.

Theo đó, về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo đã được tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội. Cơ quan thẩm tra và Ban soạn thảo đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động để phục vụ cho công tác giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định dự thảo Luật, tiếp tục đưa ra 2 phương án về tên gọi của Luật để Quốc hội thảo luận (Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia). Theo đó, tên Luật cần thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời phù hợp với những cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam đã tham gia.

Cùng với đó, chính sách thuế liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia cần được quy định mang tính nguyên tắc, theo hướng áp dụng mức thuế hợp lý để giảm mức tiêu thụ của rượu, bia.

Quy định liên quan đến việc cấm bán rượu, bia 15 độ cồn trở lên trên Internet cần xây dựng để phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện nay. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia cũng cần nghiên cứu để phù hợp với quy định của Luật Thương mại và Luật Quảng cáo.

Liên quan đến nguồn kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng theo phương án ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về quản lý rượu thủ công, cần nghiên cứu để xây dựng theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu thủ công trên thị trường và không tác động bất lợi đến rượu thủ công truyền thống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, tăng cường đối thoại với các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật, nghiên cứu, rà soát dự thảo Luật này để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-trinh-quoc-hoi-2-phuong-an-ve-ten-goi-146242.html