Dự án luật kiến trúc: Các kiến trúc sư sẽ phải đăng ký hoạt động nghề?

Cần bổ sung thêm quy định cán bộ, công chức không được tự ý tiết lộ thông tin của kiến trúc sư trong dự án xây dựng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của kiến trúc sư hoặc có sự cho phép của pháp luật khác là đề nghị của đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) khi cho ý kiến về Dự án Luật Kiến trúc tại kỳ họp thứ 6.

“Tôi đã từng làm Sở xây dựng nên biết, cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin vì khi công trình thiết kế đi thẩm định, có những chi tiết kiến trúc thuộc ý tưởng của người thiết kế bị ăn cắp, bị lộ hoặc công trình đang thẩm định để chờ đấu thầu. Việc tiết lộ kiến trúc sẽ ảnh hưởng quy trình đấu thầu, giảm giá trị đó”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị quy định hành vi khác gây cản trở quyền tác nghiệp, quyền tiếp cận thông tin được pháp luật cho phép của kiến trúc sư như kiến trúc sư muốn thiết kế nhà ở khu đó thì muốn biết quy hoạch như thế nào hoặc quy hoạch được duyệt ra sao để phục vụ công tác thiết kế, công tác đấu thầu. Nếu những thông tin như thế này không được tiếp cận sẽ thiệt thòi cho kiến trúc sư.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng, nghề kiến trúc là nghề tự do nên cần được quản lý để bảo đảm hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật trong đó liên quan đến hành nghề, đạo đức nghề, tuân thủ quy định pháp luật khác về thuế. Nếu có luật này bắt buộc các kiến trúc sư sẽ phải đăng ký hoạt động nghề, phải cung cấp các dịch vụ, sản phẩm của mình đảm bảo Nhà nước quản lý được. Từ đó, nguồn thu của họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Nhiều ý kiến kỳ vọng, dự án Luật Kiến trúc được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. (Ảnh: internet)

Nhiều ý kiến kỳ vọng, dự án Luật Kiến trúc được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. (Ảnh: internet)

Theo ông Chiến, đây là nghề chuyên ngành, do đó trước hết cơ quan chủ quản phải phối hợp giữa tự quản với quản lý Nhà nước về chuyên ngành. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước để có thể cấp chứng chỉ hành nghề thống nhất chứ không phải ở cấp sở và địa phương.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đánh giá, về nguyên tắc hoạt động kiến trúc tại khoản 2 Điều 4 có nói “kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp tập quán văn hóa Việt Nam”, là chưa đủ. Vì nhiệm vụ của kiến trúc không chỉ là xây mới, kế thừa mà còn bảo tồn, vì vậy cần bổ sung điều này vào luật.

Về những hành vi bị cấm, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi cản trở, nhũng nhiễu gây khó khăn dưới mọi hình thức cho công tác quản lý kiến trúc và hoạt động hành nghề kiến trúc. Đồng thời, bổ sung hành vi cấm xâm hại các công trình và di sản kiến trúc thuộc diện bảo tồn theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP HCM) đề cập đến thủ tục cấp phép chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư trưởng phức tạp quá. “Bây giờ xu thế giảm bớt giấy phép con nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại xem Điều 22 để đăng ký được chứng chỉ hành nghề có nhiều giấy phép con trong đó”, đại biểu nói.

Theo ông Dũng, chỉ cần giấy sát hạch nghề nghiệp là đủ rồi, muốn thi được phải không vi phạm đạo đức, bây giờ xu thế 4.0 học suốt đời, học lên mạng học cũng được, không cần thiết phải đến trường lớp. Còn nếu yêu cầu có giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức, vậy ai sẽ cấp giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức. Thời hiệu vi phạm thì tính như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, điều quan trọng trước mắt là phải quan tâm đến vấn đề quản lý Nhà nước. “Quy định mặt phố, tôn nền nhà thôi, không được xây cao bao nhiêu, quản lý rất khó khăn rồi mỗi ông vẽ một kiểu, ông nào vẽ ra thì chả kêu của mình đẹp, đẹp xong rồi xây lên, thế là nó cứ phá vỡ lung tung cả”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, xã hội bước vào giai đoạn phát triển mới, lịch sử cho phép và yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và thiết kế những công trình mang dấu ấn lịch sử và thời đại để tồn tại lâu dài với thời gian, với dân tộc.

Đất nước chúng ta qua các triều đại lịch sử đã có những công trình mang dấu ấn kiến trúc của dân tộc, nhưng trên thực tế để lại cho con cháu cho đến nay không có nhiều. Vì đặc trưng kiến trúc Việt Nam có nhưng không hoàn toàn rõ nét, chưa sâu sắc ấn tượng gì, những công trình hiện nay đang là dấu ấn kiến trúc thì một là mang một phần màu sắc lịch sử kiến trúc Trung Hoa, hai là mang một một phần văn hóa tân cổ điển phương Tây, Pháp xây dựng. Công trình hoàn toàn mang dấu ấn văn hóa và kiến trúc Việt Nam có lẽ chỉ có mấy đình chùa, tuy nhiên lại mang hơi hướng phong cách kiến trúc Trung Hoa…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-luat-kien-truc-cac-kien-truc-su-se-phai-dang-ky-hoat-dong-nghe-129304.html