Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi): Vẫn 'tranh cãi' về triết lý giáo dục

Sáng ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp

Nên hay không nên?

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến lần thứ hai về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong bản tiếp thu, giải trình lần này liên quan đến triết lý giáo dục. UBTVQH cho rằng, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

Tham khảo Luật Giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy hầu hết không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo Luật, theo đó triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục cũng xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Tham gia ý kiến đối với nội dung này, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa -Vũng Tàu) cho rằng chưa cần thiết phải quy định rõ triết lý giáo dục trong dự thảo Luật lần này song đề nghị cần định hình rõ triết lý giáo dục để từ đó đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục sẽ có hướng đi cụ thể.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy (Gia Lai) lại khẳng định triết lý giáo dục đã rõ cả về lý luận và thực tiễn, hiệu quả. Theo đại biểu, thực tế lịch sử đã chứng minh, giáo dục nước nhà đã sinh ra các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nhân...được thế giới kính trọng, có tên tuổi, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Do đó, từng giai đoạn cần chắt lọc tinh hoa, bổ sung phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, không nên đề ra triết lý giáo dục, tránh gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.

Cần kiểm soát cơ chế liên thông

Để làm rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam để tạo điều kiện cho quá trình liên thông giữa các cấp đào tạo và các hệ thống đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.

Bên cạnh đó, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Bình luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu: Liên thông trong giáo dục là cần thiết, tuy nhiên cần quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng. Chính sách đối với người học, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với sinh viên sư phạm giống như các trường công an, với điều kiện là điểm cao. Sinh viên ra trường được xếp việc làm. Cần giao quyền chủ động cho các nhà trường, nhưng cũng cần có cơ chế kiểm soát để tránh "lạm quyền”. Cần tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Một số đại biểu cũng tham gia thêm vào các vấn đề khác. Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng chi ngân sách cho giáo dục tối thiểu là 20%. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng thời gian qua, con số này khó đạt được mức tối thiểu. Theo đại biểu, cần thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục. Luật này chỉ xây dựng nguyên tắc ưu tiên cho giáo dục, còn việc phân bổ, chi ngân sách cho giáo dục nên căn cứ vào tình hình thực tế.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đa số ý kiến thảo luận đồng tình cao với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật đã được chỉnh lý.

Phó Chủ tịch nhấn mạnh Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tiếp thu tất cả các góp ý, rà soát tất cả các nội dung của dự thảo Luật thêm một lần nữa và sẽ có báo cáo giải trình rõ tất cả những vấn đề các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp hôm nay trước khi quyết nghị thông qua tại kỳ họp này.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/du-an-luat-giao-duc-sua-doi-van-tranh-cai-ve-triet-ly-giao-duc-105163.html