Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Cần cân nhắc các chính sách ưu đãi về kinh doanh

'Để chọn lọc được các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ, cần khai thác tốt đa hiệu quả của một đơn vị diện tích trên các đặc khu và cân nhắc các chính sách ưu đãi về kinh doanh, dịch vụ xa xỉ siêu lợi nhuận hoàn vốn nhanh như casino, vui chơi giải trí, hàng miễn thuế…'.

Đây là một trong những vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) “hiến kế” tại Hội nghị Diên Hồng về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt chiều nay (22/11).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre)

Nhất trí cao những nội dung báo cáo về dự án Luật đơn vị hành chính kinh kế đặc biệt của Chính phủ, Đại biểu Thủy cho rằng, qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc và trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, đến lúc Quốc hội quyết định xem xét ban hành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý để tạo động lực mới để phát triển kinh tế xã hội của các đặc khu nói riêng và cả nước nói chung.

“Việc ban hành Luật và quá trình cụ thể hóa Hiến pháp, chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội diễn ra trong thời gian dài. Do vậy tôi tán thành chủ trương phải sớm ban hành Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) và thông qua Nghị quyết thành lập 3 đặc khu Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang, đồng thời thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 5” - đại biểu Thủy khẳng định.

Đại biểu Thủy cũng đồng tình tên gọi và phạm vi dự án Luật, đã bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phải được áp dụng lâu dài nên đặt tên gọi bằng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, do đây là lần đầu xây dựng các đặc khu, chưa có tiền lệ, chủ yếu là học tập kinh nghiệm nước ngoài nên theo đại biểu thủy, cần thử nghiệm tổng kết đánh giá trước khi nhân rộng.

Theo đó, Luật đã được dự thảo nghiên cứu áp dụng riêng, trước hết cho 3 đặc khu Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang, trong đó có những điều khoản quy định áp dụng chung cho cả 3 đặc khu và có điều khoản riêng cho từng đặc khu với điều kiện đặc thù. Vì vậy, nên thống nhất tên dự án Luật là Luật đợn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn- Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa, và Phú Quốc – Kiên Giang.

“Tên gọi của Luật dài nhưng cần thiết và phụ hợp hơn vì tính rủi ro và thách thức của việc áp dụng chính sách đặc biệt trong Luật, bởi một số chính sách có tính chất áp dụng lâu dài không dễ gì khắc phục sửa chữa. Nếu có sửa chữa thì hậu quả chính sách không chỉ gây xung đột lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn gây xung đột lợi ích giữa quốc gia như việc cho thuê đất 99 năm” - đại biểu Thủy nói.

Đối với việc lựa chọn địa điểm đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đại biểu Thủy nhìn nhận, người xây dựng Luật này như việc bố trí một thí nghiệm khoa học với giả thuyết tạo động lực tăng trưởng phát triển kinh tế, xã hội. Việc lựa chọn phương pháp thí nghiệm quyết định tính khả thì từ kết quả, trong đó có việc chọn địa điểm. Đại biểu Thủy cũng thống nhắt việc lựa chọn 3 đặc khu trên và cho rằng, đây là 3 khu vực đại diện sự khác biệt của vùng miền có vị trí địa kinh tế chiến lược là một trong 6 yếu tố dẫn đến thành công của các đặc khu trên thế giới và tính lợi thế vốn có của nó.

Còn mô hình tổ chức chính quyền ở đặc khu, đại biểu Thủy ủng hộ chọn phương án 1 trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị bổ sung thêm vào dự án Luật 5 yếu tố.

Cụ thể, thứ nhất, quy định về nhiệm kỳ của trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Thứ hai, các định hướng nguyên tắc cơ bản để hình thành hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả đủ thẩm quyền. Thứ ba là các trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hợp nhất tổ chức lại các cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn chính quyền thành cơ quan chuyên môn tham gia giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền. Thứ tư, để giúp cơ chế phản ứng nhanh, đặc khu, dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế đặc thù trong tuyển chọn đề bạt cán bộ kể cả chức vụ trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như là thi tuyển, tranh cử, xử lý và giảm bớt một số hình thức kỷ luật… Thứ năm, về chính sách phát triển kinh tế xã hội, tán thành phương pháp tiếp cận của dự thảo Luật, đó là không ưu đãi dàn chải chỉ tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao nghiên cứu và ứng dụng y tế giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0.

“Để chọn lọc được các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ, cần khai thác tốt đa hiệu quả của một đơn vị diện tích trên các đặc khu và cân nhắc các chính sách ưu đãi về kinh doanh, dịch vụ xa xỉ siêu lợi nhuận hoàn vốn nhanh như casino, vui chơi giải trí, hàng miễn thuế. Chỉ nên tập trung cho chính sách miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế cơ bản không quá 3 năm, và chỉ có giảm không miễn chính sách thuế cho một số năm tiếp theo. Thời gian tôi đề nghị Luật quy định cụ thể mức phân bổ ngân sách, để lại đặc khu trong thời gian đủ để các đặc khu hoàn thiện chính sách bộ máy…” – đại biểu Thủy nói.

Nguyễn Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/du-an-luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-can-can-nhac-cac-chinh-sach-uu-dai-ve-kinh-doanh-120626.html