Dự án Luật Biên phòng Việt Nam hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm soát xuất, nhập cảnh của lực lượng BĐBP

Kiểm soát xuất, nhập cảnh là hoạt động kiểm tra, xem xét, duy trì thực hiện các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh của các cơ quan, lực lượng có thẩm quyền nhằm bảo đảm hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia của người, phương tiện đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong đó, BĐBP là lực lượng chuyên trách trong kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng hải và đường thủy nội địa.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách qua lại cửa khẩu. Ảnh: Việt Chiến

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách qua lại cửa khẩu. Ảnh: Việt Chiến

Hiện nay, lực lượng BĐBP quản lý kiểm soát xuất nhập cảnh tại 154 cửa khẩu (trong đó có 117 cửa khẩu tuyến biên giới đất liền, 37 cửa khẩu cảng) và 88 lối mở biên giới. Như vậy, trừ các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế do lực lượng kiểm soát xuất, nhập cảnh thuộc Bộ Công an đảm nhiệm thì tại các cửa khẩu còn lại, đều do lực lượng BĐBP tổ chức kiểm soát.

Cơ sở pháp lý đối với công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu của BĐBP được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (nội luật) và các điều ước quốc tế với các nước có chung đường biên giới mà Việt Nam đã ký kết (ngoại luật), cụ thể:

Về nội luật, căn cứ vào đối tượng xuất, nhập cảnh, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đều quy định trách nhiệm của người, phương tiện xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu và nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong kiểm soát xuất, nhập cảnh.

Đối với người nước ngoài, khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam phải đi đúng cửa khẩu do Nhà nước Việt Nam quy định hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Khi đến cửa khẩu, người nước ngoài phải thực hiện các thủ tục quy định về nhập cảnh, xuất cảnh với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở cửa khẩu. Đặc biệt, khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, người nước ngoài phải chịu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu; nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật. Phải chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, trách nhiệm của các đơn vị Biên phòng cửa khẩu trong kiểm soát xuất, nhập cảnh được quy định cụ thể tại Điều 49, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý”.

Đối với công dân Việt Nam, khi xuất cảnh, nhập cảnh phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thị thực của nước đến (nếu có); phải khai báo y tế, kiểm tra và xử lý y tế tại cửa khẩu; chịu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu và chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước đến khi xuất cảnh. Trách nhiệm cụ thể của đơn vị Biên phòng cửa khẩu trong kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam được quy định tại khoản 3, Điều 47, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019: “Kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý” và Điều 6, Pháp lệnh BĐBP năm 1997: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới”.

Đối với phương tiện vận tải, khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải đảm bảo các điều kiện về giấy tờ theo quy định của pháp luật Việt Nam (bao gồm các loại giấy tờ phải nộp và các loại giấy tờ phải xuất trình). Đồng thời, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở cửa khẩu; cụ thể: Đối với các phương tiện tại các cửa khẩu biên giới đất liền, điểm b, khoản 1, Điều 22, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21-11-2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền xác định BĐBP có trách nhiệm: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện”.

Đối với các phương tiện ở cửa khẩu cảng, điểm c, khoản 3, Điều 34, Nghị định số 77/2017/NĐ-CP ngày 3-7-2017 của Chính phủ quy định trách nhiệm của BĐBP: “Chuyên trách thực hiện thủ tục biên phòng; kiểm tra, giám sát biên phòng; cấp thị thực và các loại giấy phép; đăng ký, kiểm soát, kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện ra, vào, hoạt động tại cửa khẩu cảng theo quy định tại nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Thực hiện trách nhiệm do pháp luật quy định, trong những năm qua, lực lượng BĐBP đã có nhiều bước tiến mới trong kiểm soát xuất, nhập cảnh ở cửa khẩu, cảng biển, nhất là trong cải cách về thủ tục hành chính. Quán triệt và thực hiện Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng giảm thiểu những thủ tục hành chính không cần thiết, từng bước bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế về lĩnh vực kiểm soát xuất, nhập cảnh. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham gia triển khai Cơ chế một cửa quốc gia của Bộ Quốc phòng (một trong 9 Bộ kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN).

Về ngoại luật, trách nhiệm kiểm soát xuất, nhập cảnh của lực lượng BĐBP được quy định bởi điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, khoản 5, Điều 1, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 18-11-2009, quy định: “Cơ quan kiểm tra kiểm nghiệm cửa khẩu” là chỉ BĐBP, Hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động - thực vật tại cửa khẩu của phía Việt Nam và cơ quan kiểm tra biên phòng, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch tại cửa khẩu của phía Trung Quốc.

Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào, khoản 18, Điều 1, Hiệp định về quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ngày 16-3-2016, quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước” chuyên ngành tại cửa khẩu là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu, bao gồm: Biên phòng (đối với phía Việt Nam), Công an xuất nhập cảnh (đối với phía Lào), Lãnh sự (đối với phía Lào), Hải quan, kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác.

Hiệu quả công tác hợp tác giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng quản lý cửa khẩu của các nước tiếp giáp trong kiểm soát xuất, nhập cảnh là rất hiệu quả, có thể kể đến mô hình kiểm tra, kiểm soát “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Densavan (Lào); lực lượng BĐBP Việt Nam và Công an Lào đã gần như đồng thời triển khai tất cả các thủ tục liên quan tại nước nhập. Vì vậy, công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, rút ngắn từ 40 - 50% thời gian chờ đợi, di chuyển và làm thủ tục tại cửa khẩu, tạo sự minh bạch trong hoạt động xuất, nhập cảnh; việc trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc xảy ra liên quan đến hai bên cũng được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Thực tiễn đã chứng minh, với trách nhiệm được pháp luật quy định trong kiểm soát xuất, nhập cảnh, lực lượng BĐBP đã hoàn thành tốt trách nhiệm chấp hành và tổ chức điều hành hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu với công cụ là pháp luật về kiểm soát xuất, nhập cảnh. Tuy nhiên, những luận giải trên đặt ra vấn đề cần giải quyết là cơ sở pháp lý của việc chấp hành và điều hành đó còn nằm tản mạn ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, cần thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng BĐBP trong kiểm soát xuất, nhập cảnh ở một đạo luật cụ thể. Với ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng, Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã giải quyết triệt để vấn đề này.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/du-an-luat-bien-phong-viet-nam-hoan-thien-co-so-phap-ly-cho-hoat-dong-kiem-soat-xuat-nhap-canh-cua-luc-luong-bdbp-post434300.html