Dự án Luật Biên phòng: Tạo hành lang pháp lý tốt hơn để thực thi hoạt động biên phòng

Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý vào Dự án Luật Biên phòng, thay thế cho Pháp lệnh Biên phòng sau hơn 20 năm thi hành đang bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nước ta có 7.913,556 km đường biên giới đất liền và trên biển, với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG), gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG). Dân cư KVBG có 1.856.308 hộ/8.339.934 khẩu, gồm 49 dân tộc, 06 tôn giáo khác nhau.

Việt Nam là quốc gia có vị trí địa - chính trị chiến lược quan trọng trong khu vực, nơi cạnh tranh gay gắt về lợi ích chiến lược giữa các nước lớn. Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp.

Cụ thể, các đối tượng chính trị tiếp tục hoạt động chống phá cách mạng; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp; vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... ngày càng gia tăng, là thách thức lớn đến thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng (BĐBP).

Xây dựng Luật Biên phòng để tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động biên phòng (Ảnh: Chinhphu.vn)

Xây dựng Luật Biên phòng để tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động biên phòng (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trong những năm qua, BĐBP luôn tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, vùng biển, tình hình nội, ngoại biên, âm mưu ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm.

Từ 1997 đến nay, BĐBP đã hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền 91 vụ/217 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; triệt phá gần 300 tổ chức, đường dây với 1.500 đối tượng của cơ quan tình báo nước ngoài và các tổ chức phản động người Việt lưu vong, phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, các đối tượng chống đối chính trị.

Đồng thời, xác lập 201 chuyên án xâm phạm trật tự an toàn xã hội, bắt giữ xử lý 57.177 vụ/104.404 đối tượng; khởi tố điều tra ban đầu, hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao cho Cơ quan điều tra 1.065 vụ/2.068 đối tượng xâm phạm trật tự an toàn xã hội; phát hiện, bắt giữ 116.898 vụ/200.603 đối tượng, thu giữ 12,085 tấn ma túy các loại; giải cứu 1.587 nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán...

Trong khi đó, Pháp lệnh BĐBP sau hơn 20 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Do phạm vi của Pháp lệnh chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP, nên chưa thể chế đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh; chưa điều chỉnh về hình thức quản lý, bảo vệ BGQG và biện pháp công tác biên phòng, chưa thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chưa đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013…

Năm 2018, Bộ Quốc phòng đã chủ động tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP (1997-2017); tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Theo Dự thảo, Luật Biên phòng gồm 7 chương, 32 điều, quy định về các nội dung cơ bản sau: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động biên phòng và các hành vi cấm; Quy định về hoạt động cơ bản về biên phòng, gồm: Nhiệm vụ biên phòng, hình thức, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Đồng thời, Luật Biên phòng cũng sẽ quy định về lực lượng BĐBP, gồm: Vị trí, chức năng, quyền hạn, hệ thống tổ chức, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện, con dấu, trang phụ của BĐBP. Quy định về hợp tác quốc tế và phối hợp thực thi hoạt động biên phòng, gồm: Nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế hoạt động biên phòng; phạm vị, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi hoạt động biên phòng.

Cùng với đó, Dự luật quy định về đảm bảo thực thi hoạt động biên phòng, gồm: Đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng; kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho BĐBP; trang bị phương tiện, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; cấp bậc, quân hàm, chức vụ, chế độ phục vụ, chế độ, chính sách đối với BĐBP; điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ BĐBP…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/du-an-luat-bien-phong-tao-hanh-lang-phap-ly-tot-hon-de-thuc-thi-hoat-dong-bien-phong-160958.html