Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần rà soát, tránh 'vênh' với Luật tiếp cận thông tin

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã bày tỏ ý kiến tán thành với việc ban hành luật này với những nội dung đã được trình ra. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hoàn thiện và đảm bảo hệ thống pháp luật được đồng bộ, ĐB Khánh đã đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, đề nghị cho rà soát lại Điều 7 của dự án luật này, so sánh với Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin.

ĐB Khánh cho biết: "So với Luật tiếp cận thông tin Quốc hội Khóa XIII đã biểu quyết thông qua thì Điều 17 quy định rất mở về vấn đề thông tin phải được công khai. Trong đó có quy định về vấn đề các cơ quan Nhà nước phải chủ động công khai cho nhân dân. Nhưng ở đây chúng ta lại quy định theo từng lĩnh vực như thế này, chúng tôi so sánh giữa hai luật ở đây thì thấy rất chồng chéo. Ví dụ, trong lĩnh vực đối ngoại vấn đề về thông tin thỏa thuận. Trong đó có nói những văn bản, thông tin thỏa thuận được trao đổi, ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế. Đây là những thông tin mật. Nhưng trong Luật Tiếp cận thông tin ngay điểm a khoản 1 Điều 17 có quy định: Các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi. Điều ước quốc tế mà Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên. Như vậy, hai luật này không thống nhất với nhau".

Vị ĐB này cũng đưa ra dẫn chứng, khi Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP, trước khi có TPP, lúc đó chúng tôi tham gia đoàn của Ủy ban Đối ngoại đi kiểm tra vấn đề hợp tác quốc tế. Trong vấn đề này, thì rất nhiều địa phương và doanh nghiệp có nói rằng trong khi doanh nghiệp các nước, khi mà chuẩn bị những dự thảo về ký kết thì doanh nghiệp các nước được tiếp cận những nội dung đó để chuẩn bị cho vấn đề chiến lược phát triển kinh doanh trước khi có vấn đề này.

"Trong khi đó, ở Việt Nam thì vẫn được đưa vào danh sách bí mật, bởi vậy doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đuối lại còn không được thông tin thì rất khó khăn cho việc chuẩn bị chiến lược phát triển, làm sao để hội nhập quốc tế. Ấn tượng này chúng tôi nhớ mãi và chúng tôi có đề nghị với Quốc hội ngay sau đấy, góp phần vào việc đưa vào Luật Tiếp cận thông tin. Nhưng đến bây giờ tôi thấy nó lại đóng vào, vừa vô hiệu hóa Luật Tiếp cận thông tin về lĩnh vực này đồng thời lại làm cho doanh nghiệp Việt Nam chúng ta gặp khó khăn do chính thể chế, do chính quy định của chúng ta", bà Khánh nhấn mạnh.

Về thông tin tài chính ngân hàng, bà Khánh cũng đưa ra luận điểm, Luật Tiếp cận thông tin quy định rất mở về vấn đề tài chính ngân hàng, về dự toán ngân sách nhà nước, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quyết toán ngân sách nhà nước, về phân bổ quản lý sử dụng vốn, danh mục dự án đầu tư công, nghĩa là rất mở, để cho chúng ta có điều kiện thông tin công khai, minh bạch.

"Tuy nhiên ở Luật Bí mật nhà nước thì nói rất ngắn gọn: thông tin về tài chính ngân hàng "chấm phẩy". Như thế là hai luật đang rất vênh nhau, một luật rất mở, mới có hiệu lực từ 1/7/2018 nhưng mà đến luật này, hôm nay mới là tháng 10/2018 thì lại đóng lại. Chúng tôi rất băn khoăn về vấn đề này", ĐB Khánh nhấn mạnh.

Về quy hoạch cấp quốc gia vùng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, cửa khẩu thì trong luật công khai thông tin của Luật Tiếp cận thông tin đã nói rõ những thông tin phải được công khai rộng rãi, là chiến lược, chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

"Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai, 70% vụ khiếu nại tố cáo đang là vấn đề rất mắc mớ nhưng chúng ta lại đóng khung vào đây là bí mật. Quy định quá chung thế này thì những vụ như Thủ Thiêm hay các vụ mà người dân không tìm được bản đồ trước đây thì có lẽ không bao giờ giải quyết được về đất đai vì đưa vào bí mật hết. Chúng tôi đề nghị bỏ chỗ này đi hoặc cần thiết thì phải quy định chi tiết để có giới hạn cụ thể", bà Khánh cho biết

ĐB Khánh cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Nhiệm vụ khoa học công nghệ trong điều của Luật Tiếp cận thông tin nói rất rõ việc công khai vấn đề khoa học công nghệ nhưng ở đây lại quy định nhiệm vụ cấp quốc gia cũng là bí mật thông tin. Như thế không chuẩn với luật vừa có hiệu lực cách đây mấy tháng. Quy định về chiến lược, đề án công tác thanh tra trong này nói về công tác thanh tra, kiểm tra kết quả giải quyết cũng phải công khai nên tôi đề nghị riêng Điều 7 và Điều 17 cần rà soát kỹ".

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/du-an-luat-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-can-ra-soat-tranh-venh-voi-luat-tiep-can-thong-tin-d2057257.html