Dự án Làng đại học Đà Nẵng - còn 'treo' đến bao giờ?

Đã gần 20 năm trôi qua, hàng nghìn hộ dân ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phải sống trong cảnh 'đi cũng dở, ở không xong' do đất đai, nhà cửa nằm trong vùng dự án Làng đại học Đà Nẵng. Đã thế, nhà cửa xuống cấp, người dân muốn sửa chữa, xây mới cũng không được phép...

Dự án Làng đại học Ðà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-1997, với tổng diện tích 300ha (trong đó, 110ha thuộc TP Ðà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng đã 20 năm trôi qua, dự án mới chỉ tiến hành đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, còn những hộ bị ảnh hưởng bởi đường bao, nằm trong vùng dự án vẫn chưa được bồi thường và bố trí di dời.

Ông Huỳnh Trâm ở khối phố Câu Hà (phường Điện Ngọc) than phiền: “Vợ chồng tôi có 6 người con, nay chúng đã lớn khôn và xây dựng gia đình riêng. Đất của gia đình đủ để tách chia cho các con làm nhà ở, nhưng vì nằm trong vùng dự án Làng đại học Đà Nẵng nên chính quyền địa phương không cho phép. Thế là, 26 nhân khẩu, với 3 thế hệ vẫn phải sống trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 120m². Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1980, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, muốn sửa chữa, cơi nới rộng thêm cũng không được. Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão là nơm nớp lo nhà bị sập. Sống thế này cơ cực lắm!”.

Căn nhà cấp 4 của gia đình ông Huỳnh Trâm đã xuống cấp nhưng không được phép xây dựng, sửa chữa.

Không chỉ gia đình ông Trâm mà hầu hết các hộ dân nằm trong vùng dự án Làng đại học Đà Nẵng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại phường Điện Ngọc, dự án này ảnh hưởng đến 4 khối phố (gồm: Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân), với 677 hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa, di dời. Còn tại phường Hòa Quý, có 600 hộ dân thuộc 7 tổ dân phố (từ tổ 57 đến tổ 63) cũng bị ảnh hưởng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết: "Dự án cứ mãi kéo dài, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và đời sống nhân dân. Từ nhiều năm nay, một số quyền sử dụng đất mà Luật Đất đai quy định, như: Tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất của người dân không thể thực hiện. Đã thế, do nằm trong vùng dự án nên không được phép bê tông hóa giao thông nông thôn, vì vậy đường sá hư hỏng, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì ngập úng, lầy lội...".

Đường giao thông nông thôn tại khối phố Câu Hà chẳng khác gì đường ở vùng sâu, miền núi, khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Dự án Làng đại học Đà Nẵng bị “treo” quá lâu dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn diễn ra phức tạp (nhất là thời điểm từ năm 2009 đến 2011), gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hiện trạng và quản lý đất đai. Theo thống kê của UBND phường Điện Ngọc, tại khối phố Câu Hà và Tứ Hà, giai đoạn 2009-2011 có tới 406 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất hoa màu, đất công ích. UBND phường Điện Ngọc đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 159 trường hợp, các trường hợp còn lại không tìm được chủ nhà; cưỡng chế phá dỡ 19 ngôi nhà xây dựng trái phép.

Mặc dù rất ủng hộ chủ trương tiếp tục triển khai dự án nhưng người dân địa phương vẫn nghi ngờ và đặt câu hỏi: Không biết dự án này còn "treo" đến bao giờ? Bởi theo họ, sau 20 năm đã có nhiều thay đổi, nên các cơ quan chức năng phải xây dựng lại quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới có cơ sở để triển khai.

Theo ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý: UBND phường và nhân dân địa phương đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương và UBND TP Đà Nẵng sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Nếu được, cần xác định trước về thời gian thực hiện quy hoạch, phân khu quy hoạch để người dân an tâm và có cơ sở để thực hiện các quyền về sử dụng đất, xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Tiếp đó là chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân trong vùng dự án Làng đại học Đà Nẵng để họ có thể xây, sửa lại nhà ở. Ngoài ra, nên đồng ý để địa phương được đầu tư bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn trong vùng.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/du-an-lang-dai-hoc-da-nang-con-treo-den-bao-gio-520101