Dự án khu dân cư Hòa Lân-Bình Dương: Ắch tắc vì đơn thư, kiện tụng

Mua đất tại Bình Dương qua đấu giá công khai, nhưng hơn 2 năm nay, Công ty Kim Oanh vẫn chưa được giao đất vì vướng mắc bất thường về pháp lý

Bỏ ra gần 1.400 tỷ đồng qua một vụ đấu giá công khai, đúng pháp luật để mua lại khu đất hơn 49 ha của Công ty Thiên Phú tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; nhưng đã hơn 2 năm nay, Công ty Kim Oanh vẫn không được giao đất vì đang vướng phải những dích dắc bất thường về pháp lý.

12 lần bán đấu giá mới thành công

Dự án Khu dân cư Hòa Lân (gọi tắt là Dự án Hòa Lân) có tổng diện tích hơn 49 ha, tọa lạc tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, do Công ty Thiên Phú (có địa chỉ tại TP.Thủ Dầu Một) làm chủ đầu tư. Dự án gồm hơn 24ha đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và gần 25ha đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Dự án Hòa Lân hiện nay vẫn chỉ là bãi đất trống.

Dự án Hòa Lân hiện nay vẫn chỉ là bãi đất trống.

Đầu năm 2011, Công ty Thiên Phú, do ông Bùi Thế Sơn làm Giám đốc đã thế chấp Dự án này cho Chi nhánh ngân hàng Agribank Chợ Lớn để vay hơn 18 ngàn lượng vàng và trả các khoản nợ trước đó. Trong quá trình kinh doanh, do gặp khó khăn về tài chính, nên ngày 17/4/2015, Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank Chợ Lớn để xử lý và thu hồi khoản nợ lên đến hơn 1.117 tỷ đồng.

Để xử lý khoản nợ xấu trên, Agribank Chợ Lớn và Công ty Thiên Phú thống nhất chọn Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Đấu giá) để bán đấu giá tài sản. Sau đó, Agribank Chợ Lớn đã ký hợp đồng với Công ty Đấu giá này để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án Hòa Lân. Giá khởi điểm là hơn 1.467 tỷ đồng.

Ngày 9/7/2015, Công ty Đấu giá bắt đầu thông báo bán đấu giá Dự án Hòa Lân về thời hạn đăng ký, mua hồ sơ và nộp tiền đặt trước ngày 29/7/2019. Thông báo được đăng công khai trên một số tờ báo theo qui định và được niêm yết tại UBND phường Thuận Giao, nơi có khu đất là tài sản. Thế nhưng, đến ngày 30/7/2015, vẫn không có khách hàng tham gia. Cho nên hai đơn vị thống nhất tiếp tục ký phụ lục hợp đồng để bán đấu giá tiếp.

Sau đó, từ ngày 26/8/2015 đến ngày 28/12/2016, Công ty Đấu giá liên tục thực hiện 10 lần quy trình bán đấu giá Dự án Hòa Lân. Đồng thời, đã nhiều lần giảm giá ở mức thấp nhất là 2%, cao nhất là 10%. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 (ngày 16/10/2015), mới có Công ty Hòa Bình Xanh đến mua hồ sơ, nhưng không đấu giá. Công bố đấu giá lần thứ 5 vào tháng 12/2015, có 3 công ty là: Hòa An Lộc, Hòa Bình Xanh và Đại Tây Dương chỉ mua hồ sơ, nhưng cũng không tham gia đấu giá.

Ngày 24/3/2017, Công ty Đấu giá đã ký phụ lục hợp đồng lần thứ 11 với Agribank Chợ Lớn để tiếp tục bán đấu giá Dự án Hòa Lân lần thứ 12, với giá khởi điểm còn 963 tỷ đồng. Có 3 khách hàng tham gia đấu giá và nộp 96,3 tỷ đồng tiền đặt trước là: Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức; Công ty Xây dựng A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) và Công ty CP Đầu tư Thái Bình.

Công ty Thiên Phú đã cắm bảng thông báo mới tại dự án Hòa Lân.

Đúng 2 tháng sau, tức ngày 25/5/2017, Công ty Đấu giá tổ chức phiên đấu giá Dự án Hòa Lân tại trụ sở của Công ty Thiên Phú. Sau 14 lần trả giá của lần đấu giá này, Công ty Kim Oanh là đơn vị trúng giá với mức chốt cuối cùng 1.353 tỷ đồng, cao hơn mức khởi điểm 390 tỷ đồng. Đến ngày 1/7/2017, giữa Agirbank Chợ Lớn, Công ty xây Kim Oanh và Công ty Đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản.

Đơn tố cáo của “công dân” không có cơ sở

Sau khi thương vụ mua bán Dự án Hòa Lân được ký kết đã xảy ra một chuỗi những vụ việc lình xình kiện tụng, do liên tục có đơn thư tố cáo gửi đến Bộ Tư pháp. Nội dung đơn tố cáo cho rằng, việc tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn đã có nhiều sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản và người có nhu cầu tham gia đấu giá.

Cụ thể: Việc đấu giá tài sản không được thông báo, niêm yết công khai theo quy định của pháp luật, cố tình che giấu thông tin bán đấu giá làm cho người có nhu cầu mua tài sản không biết thông tin để đăng ký mua tài sản; Công ty Đấu giá không thẩm định rõ ràng năng lực tài chính của các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá nên sau khi thực hiện việc đặt cọc và tham gia đấu giá thành công, Công ty Kim Oanh không đủ năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng mua trúng đấu giá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của chủ tài sản và người có nhu cầu đấu giá tài sản; Công ty Đấu giá cố tình hạn chế các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá bằng những hành vi trái pháp luật như: Che giấu thông tin, không bán hồ sơ cho người có nhu cầu đăng ký mua tài sản.

Từ những lý do trên, “đơn tố cáo của công dân” đề nghị “hủy kết quả bán đấu giá để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên liên quan như đảm bảo việc thực thi của pháp luật được nghiêm minh”.

Sau khi có hàng loạt đơn tố cáo, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp ký quyết định số 38/QĐ-TTR ngày 24/7/2018 về việc thanh tra chấp hành các quy định pháp luật đối với Công ty Cổ phần đấu giá Nam Sài Gòn trong việc tổ chức bán đấu giá Dự án Hòa Lân. Sau 4 tháng thanh tra, ngày 24/12/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có kết luận khẳng định, các nội dung tố cáo đối với Công ty Đấu giá này là không có cơ sở.

Kết quả thanh tra cũng khẳng định, trong quá trình đấu giá, Công ty Đấu giá về cơ bản thực hiện trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản như đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết thông báo bán đấu giá, tổ chức điều hành phiên bán đấu giá. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vi phạm như: không kiểm tra tính chính xác thông báo giảm giá của ngân hàng dẫn tới việc thông báo giá khởi điểm ban đầu không chính xác; Quy chế đấu giá và thông báo bán đấu giá có nội dung không thống nhất. Thanh tra Bộ Tư pháp đề nghị Công ty Đấu giá “tổ chức rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót mà kết luận thanh tra đã nêu trong việc tổ chức bán đấu giá Dự án Hòa Lân”.

Từ kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp thì thấy, quá trình tổ chức đấu giá tài sản và ký hợp đồng bán đấu giá tài sản, Công ty Đấu giá dù có thiếu sót nhưng không ảnh hưởng đến việc mua bán tài sản đấu giá giữa Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh và Công ty Đấu giá. Việc đấu giá được diễn ra khách quan, đúng trình tự thủ tục xử lý nợ của ngân hàng và trình tự thủ tục đấu giá.

Chậm thanh toán không do lỗi bên mua Dự án

Kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp cũng cho rằng, trong việc bán đấu giá trên thì Công ty Kim Oanh đã chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ty Đấu giá và Ngân hàng Agribank Chợ Lớn. Đó là: đã 4 lần vi phạm cam kết về thời hạn thanh toán. Ngân hàng quy định phương thức thanh toán trả ngay, nhưng đến thời điểm công bố kết luận thanh tra thì Công ty Kim Oanh mới trả được hơn 847 tỷ đồng và hiện vẫn phải thanh toán số tiền hơn 478 tỷ đồng. Việc thanh toán trên là không thực hiện đúng thỏa thuận với các bên. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tư pháp cũng khẳng định rằng; việc Công ty Kim Oanh chậm thanh toán, một phần là do lỗi của Agribank Chợ Lớn.

Theo lý giải của Công ty Kim Oanh, sau khi trúng đấu giá tài sản là Dự án Hòa Lân thì mới biết Công ty Thiên Phú cho rất nhiều hộ dân kinh doanh lấn chiếm trên phần đất của dự án lâu ngày, không chịu di dời để trả lại mặt bằng. Cho nên Công ty Kim Oanh phải bỏ chi phí ra để di dời các hộ dân. Sau khi hoàn tất ký hợp đồng mua bán tài sản thì công ty vẫn chưa xác định được ranh giới dự án, vì vậy đến tháng 5/2018, Công ty phải bỏ chi phí ký hợp đồng với Sở TN-MT Bình Dương thực hiện đo đạc. Tuy nhiên, diện tích đất thực tế sau khi đo đạc có sự chênh lệch rất lớn so với số liệu trên sổ sách, vì thiếu tới hơn 8.452 m2.

Kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp đối với đơn tố cáo của công dân về việc đấu giá.

Bên cạnh đó, đến tháng 7/2018, Công ty Kim Oanh mới thanh toán xong số tiền thuế mà chủ đầu tư trước là Công ty Thiên Phú còn nợ để hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Và đến nay, Công ty Kim Oanh đã thanh toán hết tiền của dự án này; bao gồm cả tiền gốc mua tài sản, tiền lãi giãn tiến độ thanh toán, tiền bồi thường cho các hộ dân tái định cư, tiền mua đất của các hộ dân nằm trong ranh dự án…, với tổng số tiền hơn 1.600 tỷ đồng.

Tưởng chừng sau kết luận thanh tra của Bộ Tư pháp, mọi việc liên quan đến dự án Hòa Lân sẽ đi đúng trình tự để chuyển giao tài sản, thì bất ngờ Công ty Thiên Phú làm đơn khởi kiện Công ty đấu giá Nam Sài Gòn ra Tòa án nhân dân Quận 7, mở đầu cho một quá trình tố tụng lùng nhùng giữa nguyên đơn là Công ty Thiên Phú, và các bị đơn là Công ty đấu giá Nam Sài Gòn, sau đó là đến Agribank Chợ Lớn.

Vậy là, dự án khu dân cư ngàn tỷ Hòa Lân có từ năm 2002 chưa thể khởi công, nay đã bị tiếp tục “ách lại” bởi tờ giấy A4 của TAND quận 7./.

VOV sẽ tiếp tục thông tin về dự án này.

Nhóm PV/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/du-an-khu-dan-cu-hoa-lanbinh-duong-ach-tac-vi-don-thu-kien-tung-981125.vov